Nóng trong tuần: Thêm 'quả bom hẹn giờ’ ở Trung Đông; quan hệ Mỹ-Nhật bước vào 'kỷ nguyên mới'

Căng thẳng Israel-Iran leo thang nguy hiểm, khủng hoảng ngoại giao Ecuador-Mexico diễn biến phức tạp, Mỹ - Nhật tăng cường liên minh và xung đột ở Ukraine có một số diễn biến mới là tâm điểm chú ý của dư luận trong tuần qua.

Chú thích ảnh
Xe tăng của Israel hoạt động ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Thêm "quả bom" chực chờ phát nổ ở Trung Đông

“Lò lửa” Trung Đông chực chờ bùng phát trước nguy cơ Iran tuyên bố sẽ trả đũa vụ ném bom tòa lãnh sự trong khuôn viên Đại sứ quán Iran ở Syria hồi tuần trước, cùng với nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm leo thang trên diện rộng trong khu vực.

Israel vẫn trong tình trạng cảnh giác cao độ, với ngày càng nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông cho thấy nước Iran đang chuẩn bị trả đũa vụ tấn công tên lửa gần đây ở Syria. Iran đã cáo buộc Israel thực hiện vụ không kích nhưng Israel cho đến nay vẫn phủ nhận trách nhiệm.

Trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ ngày 12/4, tờ Wall Street Journal cho rằng Iran có thể tiến hành một cuộc tấn công trả đũa trong vòng 24 đến 48 giờ tới. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đã truyền đạt quyết tâm của Tehran trong việc đáp trả vụ đánh bom tòa nhà lãnh sự của nước này trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock hôm 11/4.

Một ngày trước đó, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ trả đũa, coi cuộc tấn công vào đại sứ quán của họ giống như một cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran.

Theo CNN, hai nguồn tin quen thuộc với tình báo Mỹ cho biết, Mỹ đã phát hiện thấy Iran di chuyển các tài sản quân sự trong nước, bao gồm máy bay không người lái và tên lửa hành trình, báo hiệu rằng nước này có thể đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu của Israel từ bên trong lãnh thổ của mình.

Về phần mình, Israel tuyên bố “phòng thủ đã sẵn sàng” trong bối cảnh lo ngại bị tấn công. Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết vào tối 12/4 rằng Israel đã chuẩn bị cho “nhiều kịch bản khác nhau” bao gồm cả các hoạt động phòng thủ và tấn công.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết liên minh quân sự giữa Israel và Mỹ vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau cuộc hội đàm với người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), Tướng Michael Kurilla.

Tướng Kurilla, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden phái đến Israel trong tuần này trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng vào Israel của Iran, cũng đã hội đàm với Tướng Herzl Halevi, người đứng đầu IDF.

Tổng thống Biden cũng dự báo rằng cuộc tấn công trả đũa của Iran “sớm muộn sẽ xảy ra”, trong khi quân đội Mỹ cho biết nước này đang triển khai thêm lực lượng tới Trung Đông trong bối cảnh lo ngại Iran có thể đang lên kế hoạch tấn công Israel.

Các nước khác cũng đã bắt đầu phản ứng với sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Hà Lan thông báo tạm đóng cửa Đại sứ quán ở Iran vì lý do an ninh từ ngày 14/4, trong khi Đức, Ấn Độ, Pháp, Canada cùng một số quốc gia khác cảnh báo các công dân của mình không đi du lịch đến khu vực.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington DC., ngày 10/4/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Quan hệ Mỹ-Nhật bước vào "kỷ nguyên mới"

Quan hệ đối tác giữa Mỹ và Nhật Bản đã bước vào một "kỷ nguyên mới", theo tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đăng trên trang web của Nhà Trắng sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Washington vào ngày 10/4. Tại cuộc gặp, hai bên đã đồng ý tuân thủ Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung năm 1960 và nhấn mạnh rằng các điều khoản của nó bao gồm vấn đề Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư), hiện đang là vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Tiến sĩ Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Châu Âu tích hợp thuộc Trường Kinh tế Cấp cao (Nga), bình luận với tờ Vedomosti (Nga) ngày 12/4 rằng sự thay đổi này trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là dấu hiệu mới nhất cho thấy vai trò của Tokyo đang thay đổi trong hệ thống an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Cách thức tương tác giữa quân đội Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong tương lai sẽ không chỉ liên quan đến việc bảo vệ các hòn đảo của Nhật Bản mà còn liên quan đến hoạt động của hai nước trong toàn bộ khu vực.

Chuyên gia này giải thích rằng đây là một ví dụ khác về cách Mỹ đồng thời tăng cường khả năng chiến lược của họ ở một khu vực nhất định và cắt giảm chi tiêu của chính họ cho mục đích này bằng cách lôi kéo các đồng minh tham gia.

Về phần mình, Anna Kireeva, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (Đại học MGIMO), nhận định những thay đổi trong các thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản được thúc đẩy trên hết bởi những gì hai nước này coi là “mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida, các hãng tin Mỹ đưa tin Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách cải thiện mối quan hệ đồng minh với Mỹ vì lo ngại rằng nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, điều này sẽ trở nên bất khả thi. Ví dụ, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, John Bolton, cho biết vào tháng 3 rằng ông Trump có thể yêu cầu bảo đảm viện trợ quân sự có đi có lại từ Nhật Bản, một điều không được quy định trong hiệp ước năm 1960.

Tuy nhiên, chuyên gia Kireeva cho rằng việc cải thiện quan hệ Mỹ-Nhật này không liên quan gì đến khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng vì Nhật Bản là một trong số ít quốc gia mà ông ủng hộ duy trì quan hệ chặt chẽ. Chuyên gia này kết luận, nếu ông Trump tái đắc cử, dự kiến ​​mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ tiếp tục.

Chú thích ảnh
Cảnh sát đặc nhiệm Ecuador đột kích Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Jorge Glas. Ảnh: AFP/TTXVN

Hậu quả từ sự cố ngoại giao giữa Mexico-Ecuador

Căng thẳng giữa Mexico và Ecuador đã có diễn biến phức tạp và gây ra một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất trong 76 năm lịch sử của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Chính phủ Mexico ngày 11/4 tuyên bố đã chính thức đệ đơn kiện Ecuador lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vụ lực lượng chức năng của quốc gia Nam Mỹ tấn công Đại sứ quán Mexico tại Quito để thực hiện việc bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas.

Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết Mexico đồng thời yêu cầu đình chỉ tư cách thành viên của Ecuador tại Liên hợp quốc (LHQ) trừ khi Quito đưa ra lời xin lỗi công khai cũng như “thừa nhận những hành vi vi phạm các nguyên tắc và chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Trước đó, vào đêm 5/4 rạng sáng 6/4 (giờ địa phương), lực lượng an ninh Ecuador đã tấn công Đại sứ quán Mexico tại Quito, khống chế nhân sự thuộc cơ quan đại diện ngoại giao Mexico và bắt giữ cựu Phó Tổng thống Glas - người đã tị nạn trong Đại sứ quán Mexico từ tháng 12/2023 và vừa được Tổng thống López Obrador chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị trước đó vài giờ. Mexico ngay sau đó tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador, đồng thời rút toàn bộ phái đoàn ngoại giao về nước.

Vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao giữa Mexico và Ecuador đã bắt đầu tác động tiêu cực đến lĩnh vực thương mại song phương sau khi Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 9/4/2024 tuyên bố đình chỉ tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang diễn ra giữa hai quốc gia Mỹ Latinh.

Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Mexico (ANIERM), đây là động thái đáp trả đầu tiên liên quan đến lĩnh vực thương mại của chính phủ Mexico sau khi nước này tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc Ecuador. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mexico, nhưng lại có lợi với doanh nghiệp sản xuất chuối và tôm trong nước do đây là hai mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất Ecuador.

Giới chuyên môn nhận định sự cố ngoại giao nghiêm trọng vừa qua giữa hai nước đã lan sang quan hệ thương mại song phương, và chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở việc đình chỉ đàm phán FTA mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan. Số liệu của ANIERM cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Mexico sang Ecuador đạt 595 triệu USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện tử, ô tô và linh kiện - phụ tùng ô tô. Ở chiều ngược lại, Ecuador xuất khẩu sang Mexico lượng hàng hóa trị giá 228 triệu USD trong năm 2023, trong đó chủ yếu là nông sản - thực phẩm, như hạt cacao, chuối và tôm.

Ngoài ra, vụ đột nhập Đại sứ quán Mexico ở Ecuador là hành động chưa từng có trong lịch sử ngoại giao. Các đại sứ quán tại một số nước như Lebanon, Argentina, Libya, Indonesia, Iran và Thái Lan từng bị đột kích, nhưng phần lớn được thực hiện bởi các nhóm nổi dậy. Chưa từng có trường hợp nào ghi nhận một quốc gia sở tại tấn công đại sứ quán của một quốc gia khác trên lãnh thổ của mình. Đây là động thái mà ít nhà cầm quyền nào dám làm. Ngay trong Chiến tranh Lạnh, các cường quốc hạt nhân cũng không dám vi phạm chủ quyền của một đại sứ quán khác.

Do đó, sự cố này đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của quyền miễn trừ ngoại giao được các nước long trọng cam kết trong Công ước Vienna năm 1961. Theo khoản 1, Điều 22 của Công ước này: “Trụ sở của cơ quan đại diện là bất khả xâm phạm. Chính quyền nước tiếp nhận không được vào nơi đó nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện”. Điều 45 Công ước này còn ghi “Nước tiếp nhận, ngay cả trường hợp có xung đột vũ trang, phải tôn trọng và bảo vệ trụ sở cùng với tài sản và hồ sơ của cơ quan đại diện”.

Chú thích ảnh
Pháo binh Nga khai hỏa trong một cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Ảnh: TASS

Một số diễn biến mới trong xung đột Nga-Ukraine

Trong tuần qua, Nga đã tăng cường tấn công các cơ sở năng lượng, công nghiệp quân sự của Ukraine, hãng thông tấn Nga TASS ngày 12/4 đưa tin.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị của họ đã thực hiện 48 cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở năng lượng và công nghiệp quân sự của Ukraine, các khu vực triển khai quân đội và lính đánh thuê trong tuần qua trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Vào ngày 6 và 12/4, Lực lượng Vũ trang Nga đã thực hiện một cuộc tấn công lớn và 47 cuộc tấn công tổng hợp bằng vũ khí chính xác phóng từ trên không, trên biển và trên mặt đất cũng như máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở nhiên liệu, năng lượng và công nghiệp quân sự của Ukraine để trả đũa Kiev nhằm gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu khí và các cơ sở năng lượng của Nga. Ngoài ra, các cuộc tấn công còn nhắm vào các căn cứ bảo trì và địa điểm triển khai tạm thời của lực lượng hoạt động đặc biệt Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài”, Bộ trên cho biết trong một tuyên bố.

Về phần mình, Đài phát thanh Quốc tế Đức (DW.com) dẫn lời Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi nói rằng các lực lượng nước này đang gặp khó khăn khi Nga tăng cường nỗ lực tiến về phía đông.

Ông Syrskyi ngày 13/4 cảnh báo rằng tình hình ở mặt trận phía đông đã "xấu đi đáng kể" trong những ngày gần đây. Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang bị thiếu hụt nhân lực và đạn dược do viện trợ phương Tây chậm trễ.

Tướng Syrskyi lưu ý giao tranh đã gia tăng sau cuộc bầu cử tổng thống Nga, trong đó Tổng thống Vladimir Putin đã giành chiến thắng. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thống kê rằng, tính đến sáng 13/4, tổng cộng có 97 cuộc đụng độ đã xảy ra giữa các đơn vị Ukraine và lực lượng Nga trên tiền tuyến trong 24 giờ qua. Nga đã tiến hành tổng cộng 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và hơn 90 cuộc không kích, đồng thời triển khai hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) 160 lần để tấn công các vị trí của quân đội Ukraine.

Trước đó ngày 10/4, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo sẽ tổ chức hội nghị cấp cao trong tháng 6 tới để thảo luận về nền hòa bình tại Ukraine. Hội nghị hòa bình cho Ukraine được Thuỵ Sỹ tổ chức dựa trên đề xuất 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm chấm dứt xung đột. Nhà lãnh đạo Ukraine tin tưởng hội nghị sẽ có ý nghĩa to lớn khi tập hợp các đối tác của Ukraine để xây dựng lộ trình cho các bước tiếp theo nhằm chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, Nga nhiều lần tuyên bố không tham dự hội nghị này. Ngày 11/4, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tái khẳng định Nga sẽ không tham dự hội nghị hoà bình quốc tế tổ chức ở Thuỵ Sĩ vào tháng 6 tới. Theo ông Peskov, bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine sẽ không có giá trị nếu không có sự tham gia của Nga.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Mỹ điều chỉnh 'thế trận lực lượng' trước nguy cơ Iran tấn công trả đũa Israel
Mỹ điều chỉnh 'thế trận lực lượng' trước nguy cơ Iran tấn công trả đũa Israel

Mỹ đang triển khai thêm tài sản quân sự gần Israel để bảo vệ nước này trước cuộc tấn công của Iran có thể xảy ra trong vài ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN