Gần 1 triệu người Palestine đã sơ tán khỏi miền Bắc, bao gồm cả Thành phố Gaza, khi giao tranh trên bộ ngày càng nóng. Theo Liên hợp quốc, hơn 41.000 căn nhà - tương đương 45% tổng số nhà ở tại Gaza - đã bị phá hủy đến mức không thể sinh sống được.
Người lái xe taxi Mahmoud Jamal (31 tuổi) đã sơ tán khỏi quê hương ở Beit Hanoun phía Bắc Gaza trong tháng này, bộc bạch: “Khi rời đi, tôi không thể phân biệt nổi mình đang đi qua con phố hay ngã tư nào”. Jamal mô tả các tòa nhà chung cư nay nhìn tựa như những gara đỗ xe ngoài trời.
Emily Tripp, giám đốc cơ quan giám sát xung đột mang tên Airwars trụ sở tại Anh, cho biết cuộc oanh tạc của Israel nhằm vào Gaza đã trở thành một trong những chiến dịch không kích dữ dội nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Ông Mkhaimer Abusada, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Al-Azhar ở Thành phố Gaza, mô tả: “Phía Bắc Gaza biến thành một thị trấn ma lớn. Mọi người không còn gì để trở về”. Ông đã sơ tán sang Ai Cập vào tuần trước.
Ông Corey Scher tại Đại học Thành phố New York và ông Jamon Van Den Hoek tại Đại học Oregon đã phân tích dữ liệu vệ tinh và rút ra kết luận rằng khoảng một nửa số tòa nhà trên khắp Bắc Gaza đã hư hại hoặc bị phá hủy.
Nhà khoa học chính trị Raphael Cohen tại trung tâm nghiên cứu Mỹ RAND Corporation, lập luận: “Cuối cùng, những người di dời sẽ phải sống trong lều bạt trong một thời gian dài”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xung đột đã khiến 27 trong số 35 bệnh viện trên khắp Gaza ngừng hoạt động. Việc phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng sẽ kéo theo hậu quả trong nhiều năm tới. Ông Scott Paul là cố vấn tại Oxfam America, cho biết: “Các tiệm bánh, nhà máy ngũ cốc, cơ sở nông nghiệp, nước và vệ sinh đã bị phá hủy. Cần nhiều hơn bốn bức tường và một trần nhà để có thể ở được. Trong nhiều trường hợp, người ta thậm chí còn không có được điều đó”.
Hiện chưa rõ phía sẽ chịu trách nhiệm tái thiết Gaza sau khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, giáo sư kiến trúc Yasser Elsheshtawy tại Đại học Columbia (Mỹ), hy vọng việc tái thiết có thể mang đến cơ hội biến các trại tị nạn và cơ sở hạ tầng xuống cấp từ lâu của Gaza thành “thứ gì đó dễ sống hơn, công bằng và nhân đạo hơn”, bao gồm các công viên công cộng.
Nhưng người Palestine nói rằng không chỉ cơ sở hạ tầng bị phá hủy cần được xây dựng lại mà còn cả một xã hội bị tổn thương. Ông Mkhaimer Abusada nói: “Gaza đã trở thành một nơi rất đáng sợ. Nó sẽ luôn tràn ngập ký ức về cái chết và sự hủy diệt”.