Các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại học Oxford đã phối hợp tiến hành nghiên cứu tình trạng đói nghèo tại 101 quốc gia với tổng dân số 5,7 tỉ người, sử dụng dữ liệu trong thời gian từ năm 2007 đến 2018. Trong nghiên cứu, sự nghèo đói không chỉ được đo bằng số tiền mỗi người kiếm được hàng ngày, mà là tổng hợp của 10 chỉ số trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, điều kiện sống... Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra “Chỉ số đói nghèo đa chiều toàn cầu”.
Kết quả cho thấy, trong 101 quốc gia được nghiên cứu có tổng số 1,3 tỉ người nghèo, chiếm tỉ lệ 23,1% dân số các nước này, trong đó 84,5% sinh sống tại khu vực Nam sa mạc Sahara và Nam Á. 2/3 số người nghèo sinh sống tại các nước có thu nhập bình quân đầu người tương đối cao, điều cho thấy cuộc chiến chống lại đói nghèo không thể chỉ giới hạn ở các nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, mà còn phải tiến hành ở cả các nước thu nhập cao.
Tỉ lệ những người nghèo đói trong từng khu vực khác nhau là khác nhau, điều này cũng đúng đối với từng vùng, miền khác nhau trong cùng một quốc gia. Như tại khu vực Nam Sahara, Gabon là quốc gia có tỉ lệ đói nghèo 14,9%, thấp hơn so với Niger hay Nam Sudan. Hay trong một quốc gia như Uganda, từng vùng miền khác nhau có tỉ lệ nghèo đói khác nhau dao động trong khoảng từ 6 đến 96% dân số.
Trong những nhóm người thuộc diện nghèo đói, trẻ em là nhóm chịu tác động mạnh mẽ nhất và có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói cao hơn so với người lớn. Một nửa trong số 1,3 tỉ người nghèo - khoảng 663 triệu người - là trẻ em và 1/3 trong số đó là những trẻ dưới 10 tuổi. Phần lớn số trẻ em nghèo đói sinh sống tại khu vực Nam Sahara và Nam Á. Ở các nước như Burkina Faso, Niger, Ethiopia hay Chad, có tới 90% (hoặc thậm chí nhiều hơn) số trẻ em dưới 10 tuổi thuộc diện nghèo đói.