Riêng trong ngày 13/11, Mỹ ghi nhận 180.955 ca nhiễm mới và gần 1.400 ca tử vong. Tốc độ lây lan chóng mặt này khiến chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, số bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã tăng thêm trên 1 triệu.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca mắc COVID-19 ở nền kinh tế lớn thế giới này đã vượt qua con số 11 triệu vào ngày 15/11, trong khi ca nhiễm thứ 10 triệu được ghi nhận ngày 9/11.
Nhìn lại hơn 8 tháng qua kể từ khi đại dịch hoành hành tại đây, nước Mỹ quả thực tơi tả với trên 11 triệu ca nhiễm (tới sáng 16/11 là 11.366.379 ca) và đại dịch cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 251.800 người, tức là nhiều hơn dân số của cả thành phố Richmond, thủ phủ bang Virginia, theo dữ liệu thống kê của New York Times. Tệ hơn nữa, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa dự báo nước Mỹ sẽ có thêm 40.000 ca tử vong vì đại dịch trong khoảng 3 tuần tới, tính từ nay cho tới ngày 5/12.
Với những "con số biết nói" về số ca nhiễm tăng chóng mặt, về tình trạng bệnh viện ở nhiều nơi quá tải, đại dịch bùng phát trở lại tại nước Mỹ là thực tế đã hiện hữu chứ không còn là viễn cảnh xa xôi và nỗi ám ảnh lại phải đóng cửa nền kinh tế cũng rõ rệt hơn bao giờ hết.
Hồi tháng 3, khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên, người ta chỉ biết đến New York là tâm dịch của nước Mỹ và virus SARS-CoV-2 hoành hành chủ yếu ở những bang bờ Đông gần New York. Còn lần này, đại dịch đã lan tới 49 trong tổng số 50 bang của nước Mỹ, đặc biệt ở khu vực Bờ Tây và Trung Tây.
Chỉ trong 8 ngày vừa qua, số ca nhiễm mới ở Mỹ đã 6 lần cán những mốc "cao nhất từ trước tới nay", khiến nước Mỹ giờ đây phải dẫn đầu "vị trí không mong muốn" là có nước có số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất trên thế giới. Vì sao một cường quốc về khoa học công nghệ, về cả tiềm lực tài chính như Mỹ lại không thể kiểm soát được đại dịch hiệu quả - đó là câu hỏi không ít người đặt ra, nhất là khi giới chuyên gia y tế cũng như chính quyền Mỹ đều đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm sau gần 9 tháng chống chọi với đại dịch.
Theo quan sát của các nhà khoa học, thứ nhất, thách thức đầu tiên chính là bản chất của virus SARS-CoV-2. Giờ đây virus nguy hiểm chết người này không chỉ tấn công những người có tuổi, có bệnh nền như những ngày đầu mới bùng phát hồi tháng 3, mà nó đã nhằm cả vào những người trẻ tuổi. Sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 cũng khiến 20% - 40% những người nhiễm không hề có triệu chứng gì để nhận biết và như vậy, chính họ vô tình phát tán bệnh ra cộng đồng, khiến công tác truy xuất tiếp xúc khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thứ hai, nước Mỹ không có được chính sách nhất quán đối phó với đại dịch. Trong lúc số ca tăng mắc vọt từng ngày, Nhà Trắng dường như vẫn không muốn thừa nhận mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Hơn nữa, có lẽ do nước Mỹ quá rộng lớn nên khó có thể áp dụng những quy chuẩn chống dịch đồng nhất, xuyên suốt và chính quyền mỗi bang tự chủ động có kế hoạch kiểm soát dịch tại bang của mình.
Tuần vừa qua, thống đốc của khoảng 15 bang đã ra lệnh người dân trong bang phải tuân thủ các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, cũng có những bang mà chính quyền sở tại vẫn để việc thực hiện các biện pháp chống dịch là lựa chọn tự nguyện của người dân, bang North Dakota là một ví dụ. Giới chức tại đây thậm chí vẫn tổ chức một số sự kiện thường niên rất đông người tham gia, bất chấp chỉ trích của các bang lân cận.
Thứ ba, nhiều năm qua, chính quyền Mỹ đã cắt giảm ngân sách y tế công của liên bang cho các tiểu bang, nên khi đại dịch xảy ra, nhiều bang không có đủ ngay tiềm lực tài chính để dập dịch. Ông John Auerbach, người đứng đầu Tổ chức Sức khỏe nước Mỹ (Trust for America’s Health), một tổ chức nghiên cứu chính sách y tế trung lập, phi đảng phái, đã chỉ ra rằng, kể từ năm 2003, chính quyền liên bang đã cắt tới một nửa hoặc 1/4 khoản ngân sách trước đây chi cho Chương trình trang bị sẵn sàng cho bệnh viện và Chương trình trang bị khẩn cấp cho y tế công cộng của các bang. Tiếp sau đó, kể từ năm 2008, khoản ngân sách liên bang và các tiểu bang dành cho y tế công cũng bị cắt giảm đáng kể, tương đương ngân sách dành cho khoảng 26.000 vị trí việc làm toàn thời gian. Trong khi đó, sắp tới, khi vaccine được phát triển, kiểm nghiệm thành công và đưa vào sử dụng, ước tính sở y tế các bang sẽ cần có khoảng 8 tỷ USD để có thể mua và phân phối vaccine đến người dân.
Thứ tư, khi đại dịch mới bùng phát lần đầu tiên hồi đầu năm, các vùng nông thôn, dân cư thưa thớt hơn thành phố gần như không bị ảnh hưởng khiến người Mỹ chủ quan, cho rằng những khu vực này khó có thể trở thành điểm nóng đại dịch. Thế nhưng giờ đây, những vùng này không hề miễn nhiễm và nguy cơ bùng phát cũng khá quan ngại, mà điển hình chính là bang North Dakota. Thống kê cho thấy hiện khoảng 60 triệu người Mỹ sống ở các khu vực nông thôn hẻo lánh, đa số là người có tuổi và tỷ lệ có sẵn bệnh nền cao hơn nhiều so với những vùng dân cư khác, nên nguy cơ mắc COVID-19 của họ cao hơn. Thế nhưng, các bệnh viện ở khu vực nông thôn chỉ sở hữu 1% số giường bệnh điều trị tích cực của cả nước Mỹ và nếu tình trạng mắc bệnh ở đây xảy ra đồng thời, thì khả năng đối phó khẩn cấp là khá thấp.
Thứ năm, nhiều nhà dưỡng lão và các bệnh viện nhỏ của Mỹ ở những điểm nóng dịch vẫn chưa được trang bị đủ số lượng cần thiết đồ bảo hộ chống dịch. Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu lợi ích công nước Mỹ đưa ra cuối tháng 10 vừa qua, tình trạng thiếu đồ bảo hộ thiết yếu chống dịch được ghi nhận ở 3.000 trung tâm dưỡng lão trên khắp nước Mỹ.
Một trong những tâm dịch hiện nay của nước Mỹ là bang California. Với 39 triệu dân, bang này hiện có tổng số ca nhiễm lên tới trên 1 triệu người, khiến các bệnh viện địa phương bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải và tổng số ca tử vong cũng đã trên 18.000 người, chỉ ít hơn số ca tử vong của New York và Texas. Nhiều thành phố của bang đã phải ngừng cho phép thực khách ăn trong nhà hàng và ngừng toàn bộ các lớp học trực tiếp cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao, cộng đồng.
Hồi tháng 3, giới chức California đưa ra quyết định mạnh mẽ đóng cửa nền kinh tế khá sớm, cộng với thời tiết mùa hè nắng nóng lúc đó, cho nên đại dịch đã không thể phát triển và hoành hành. Nhưng tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ này đã bị làn sóng dịch bệnh nhấn chìm sau khi cho mở cửa lại hồi tháng 6. Với mùa đông đã gõ cửa, các chuyên gia đều bày tỏ quan ngại số ca mắc COVID-19 ở đây sẽ chưa thể dừng lại, bất chấp nỗ lực của cả chính quyền địa phương và người dân.
Nhìn về bờ Đông, Connecticut, bang láng giềng của New York hiện có số ca nhiễm tăng mạnh khiến 80% người dân ở đây sống nơm nớp trong tình trạng báo động đỏ. New Jersey, một bang cũng giáp ranh New York, vừa công bố tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã lên tới 12% và số người nhập viện lên tới trên 1.800 người, mức cao nhất kể từ tháng 6. New Jersey đã buộc phải áp lệnh giới nghiêm đối với tất cả các ngành hàng không thiết yếu kể từ 20h hằng ngày để chống dịch.
Với bang New York, đặc biệt là thành phố New York, từ kinh nghiệm xương máu từng là tâm dịch của thế giới hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua, giới chức nơi đây đã thực hiện nhiều bước đi cương quyết phòng ngừa để dịch không bùng phát lại. Từ ngày 13/11, New York áp lệnh giới nghiêm kể từ 22h hằng ngày ở các tụ điểm quán ăn, quán bars, phòng tập thể thao khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây tăng lên hơn 3%, bất chấp sự thiếu đồng tình của nhiều người dân vốn lo sợ lại rơi vào cảnh thất nghiệp, thiếu thực phẩm như những gì mà họ mới trải qua cách đây mấy tháng.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng đề cập tới khả năng sẽ tạm đóng cửa toàn bộ các trường học nếu số ca nhiễm tại đây vẫn đến ngưỡng 3% trong những ngày tới. Tuy nhiên chính ông và Thống đốc bang Andrew Cuomo chưa dám quyết định đóng cửa các quán ăn, nhà hàng trên khắp thành phố, bởi đây là ngành tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, nếu làm như vậy, chính quyền thành phố cũng phải đối mặt với nguy cơ kiệt quệ về tài chính khi không còn nguồn tiền cứu trợ do liên bang rót cho.
Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Cố vấn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bác sĩ Michael Osterholm vừa đề xuất nước Mỹ nên đóng cửa toàn bộ nền kinh tế trong 4 - 6 tuần, bởi ông cho rằng chỉ có cách làm triệt để như vậy mới có thể kiểm soát dứt điểm được đại dịch, thậm chí có một khoảng lặng để nền kinh tế có thể phục hồi.
Các chuyên gia y tế đều kêu gọi người dân hãy thích nghi với tình hình “bình thường mới”. Thế nhưng, khi thực sự phải sống trong môi trường không còn các hoạt động bình thường, không còn đến công sở, không giải trí, văn hóa, không tới trường hay tới phòng tập thể thao, thậm chí giao lưu giữa người với người cũng phải hạn chế và “vô diện” qua những chiếc khẩu trang bịt kín, thì mọi người đều cảm thấy thích nghi với cái gọi là “bình thường mới” không hề dễ dàng.
Có lẽ những gì Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng phát biểu ngày 12/11, rằng “Vaccine sẽ bắt đầu được triển khai vào tháng 12 và tháng 1 tới”, và “những người dân bình thường sẽ được tiêm vaccine vào khoảng tháng 4 năm sau”, sẽ tiếp thêm hy vọng le lói cho người dân Mỹ để họ có thể kiên nhẫn chống chọi với đại dịch.