Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 125.000 ca), Italy (33.979 ca) và Ấn Độ (29.035 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (635 ca), Mỹ (552 ca) và Italy (546 ca).
Thế giới hiện có 11 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Mexico là nước mới nhất vượt qua mốc 1 triệu ca bệnh ngày 14/11. Mỹ vẫn là nước đứng đầu về ca mắc mới hàng ngày cũng như tổng ca mắc.
Iran ghi nhận số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy
Bộ Y tế Iran cho biết nước này đã ghi nhận 12.543 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc tại Iran lên 762.068 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 459 ca tử vong, nâng tổng số lên 41.493 ca. Iran hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông.
Indonesia, Philippines và Malaysia có hàng nghìn ca mắc mới
Tại Đông Nam Á, trong ngày 15/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.863 ca mắc COVID-19 và 132 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.055.140 ca, trong đó 25.055 người tử vong.
Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 4.106 ca lên tổng cộng 467.113 ca; số ca tử vong tăng thêm 63 ca lên 15.211 ca. Trong khi đó, số ca được chữa khỏi bệnh tăng thêm 3.897 ca lên 391.991 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN trong ngày 15/11.
Đứng thứ hai là Philippines. Bộ Y tế Philippines công bố thêm 1.530 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 407.838 ca. Số ca tử vong tại quốc gia khoảng 110 triệu dân này tăng thêm 41 ca lên 7.832, trong khi số ca bình phục tăng thêm 11.290 người lên 374.329 người.
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 15/11 là Malaysia. Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.208 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 47.417 ca. Trong số các ca mắc mới, 6 ca nhập cảnh và 1.202 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này tăng thêm 3 ca lên 309 ca. Số ca bình phục tăng thêm 1.013 ca lên 34.785 ca, chiếm 73,4% tổng số ca mắc.
Myanmar cũng có số ca mắc mới ở mức gần 1.000 ca. Ngày 15/11, nước này ghi nhận thêm 983 ca mắc mới và 25 ca tử vong mới.
Vaccine Trung Quốc sẽ được thử nghiệm giai đoạn cuối ở Uzbekistan
Chính phủ Uzbekistan gần đây đã nói với báo chí rằng nước này sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc phát triển. Đây là vaccine ứng cử viên thứ 5 của Trung Quốc được đưa vào thử nghiệm giai đoạn cuối trên người ở nước ngoài.
Theo Bộ Y tế Uzbekistan, 5.000 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18-59 sẽ tham gia giai đoạn thứ 3 của quá trình thí điểm, kéo dài trong một năm.
Loại vaccine thử nghiệm trên, do công ty dược sinh học Anhui Zhifei Longcom (một đơn vị của Chongqing Zhifei) của Trung Quốc phát triển, đã được vận chuyển đến Uzbekistan cùng với một số chuyên gia Trung Quốc, những người sẽ làm công tác theo dõi những người tham gia và đào tạo các bác sĩ người Uzbekistan.
Đến nay, Uzbekistan đã ghi nhận tổng cộng 69.830 COVID-19 ca mắc COVID-19, trong đó có 594 trường hợp tử vong và 67.092 bệnh nhân đã bình phục.
Nga, Séc công bố thêm nhiều ca mắc mới
Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 22.572 ca mắc trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với mức cao chưa từng thấy 22.702 ca được xác nhận một ngày trước. Như vậy, tổng số ca mắc tại Nga đã tăng lên 1.925.825 ca, trong đó 33.186 ca tử vong, trong khi 1.439.985 ca bình phục.
Bộ trưởng Y tế Nga, ông Mikhail Murashko, cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này vẫn rất căng thẳng. Theo Bộ trưởng Murasko, 75% bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 phải điều trị ngoại trú. 25% nhập viện và điều trị trong bệnh viện. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành y tế đang chịu áp lực rất lớn”. Theo ông Murasko, trung bình có từ 18-19% giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 còn trống. Tuy nhiên, ở hơn 30 chủ thể, 90% số giường bệnh chuyên biệt này đã kín chỗ.
Theo tư lệnh ngành y tế Nga, tình trạng quá tải đang diễn ra tại Khu vực Liên bang Siberi và một số vùng của Khu vực Viễn Đông. Ông Murashko yêu cầu ngành dược cần theo dõi và đặt mua thuốc điều trị COVID-19 kịp thời. Bộ trưởng nói rõ rằng một số loại thuốc điều trị virus corona đã được đưa vào danh sách thuốc quan trọng và nhà nước đảm bảo giảm giá 4 lần.
Trong khi đó, CH Séc thông báo số ca mắc và tử vong trong ngày do COVID-19 tại nước này đều đã giảm so với những mức cao được ghi nhận hồi đầu tháng 11 này, song Séc vẫn nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại châu Âu.
Trong 24 giờ qua, Séc ghi nhận thêm 1.042 ca mắc mới. Theo đó, tổng số ca mắc tại Séc tăng lên 459.271 ca; số ca tử vong tăng 98 ca lên 6.156 ca – gấp cả chục lần kể từ cuối tháng 9 vừa qua.
Cùng ngày, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu Margrethe Vestager cho biết bà sẽ tự cách ly vào tuần tới và làm việc tại nhà, sau khi một trong các cộng sự của bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Theo bà Vestager, cộng sự này không có triệu chứng bệnh. Bà Vestager đã được xét nghiệm virus và đang chờ kết quả.
Pháp, Hy Lạp, Đức siết chặt biện pháp phòng dịch
Một số nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp và Đức đang siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Cảnh sát Pháp tăng cường kiểm soát tại thủ đô Paris vào cuối tuần này để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng dịch COVID-19. Hôm 14/11, cảnh sát đã giải tán một buổi tụ tập trái phép có 400 người tham dự tại khu vực Joinville-Le-Pont gần thủ đô Paris. Cảnh sát cũng kiểm tra các ô tô đi qua công viên Bois de Boulogne ở phía Tây Paris để đảm bảo các lái xe đeo khẩu trang và mang theo những giấy tờ hợp lệ cần thiết theo quy định của pháp luật.
Theo lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực từ cuối tháng 10 vừa qua tại Pháp, mọi người phải ở trong nhà trừ trường hợp đi mua thực phẩm hoặc những hàng hóa thiết yếu, hoặc tập thể dục. Những người đi ra ngoài phải mang theo giấy tờ có chữ ký hợp lệ để xác minh lý do ra khỏi nhà.
Trong khi đó, cảnh sát Hy Lạp thông báo lệnh cấm các hoạt động tụ tập từ 4 người trở lên trong bối cảnh nhiều bệnh viện quá tải do số bệnh nhân COVID-19 gia tăng. Lệnh cấm trên được đưa ra trước thềm lễ kỷ niệm ngày nổ ra cuộc nổi dậy trong sinh viên năm 1973.
Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết mọi cuộc tụ tập từ 4 người trở lên sẽ bị cấm từ 6h ngày 15/11 đến 21h ngày 19/11 để ngăn dịch bệnh lây lan. Nếu vi phạm, nhà chức trách sẽ phạt 5.000 euro đối với các tổ chức hợp pháp như các đảng chính trị, 3.000 euro đối với cá nhân tổ chức cuộc tụ tập, và phạt 300 euro đối với những người tham gia sự kiện.
Cùng ngày, trả lời báo Bild an Sonntag, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cảnh báo nước này có thể sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch thêm 4 – 5 tháng nữa trong khi số ca mắc COVID-19 tại Đức vẫn ở mức cao.
Chính phủ Đức đã triển khai biện pháp phong tỏa một phần kể từ đầu tháng 11, theo đó đóng cửa các quán bar, nhà hàng, phòng tập và một số điểm vui chơi, giải trí khác. Trong khi đó, các trường học và cửa hàng vẫn được phép mở cửa. Kể từ đó, số ca mắc COVID-19 trong ngày đã giảm nhưng vẫn ở mức cao và ngày 13/11 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao chưa từng thấy, với hơn 23.000 ca.
Theo Viện Robert Koch, đến nay Đức đã ghi nhận tổng cộng 802.944 ca mắc COVID-19 và 12.692 ca tử vong.
Tổng thống Mỹ dự báo thời điểm có vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng sẽ có một loại vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân sớm nhất vào tháng 4/2021. Tuyên bố trên của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-COV-2 hàng ngày cao mức kỷ lục tại quốc gia này.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau gần 1 tuần khi truyền thông công bố kết quả dự đoán ông Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng sẽ cấp phép “rất sớm” việc sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 của công ty Pzifer.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ không đóng cửa trở lại nền kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tunisia gia hạn lệnh giới nghiêm chống dịch COVID-19
Chính phủ Tunisia ngày 15/11 tuyên bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở quốc gia Bắc Phi này sẽ được kéo dài thêm 3 tuần để đối phó với tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca mắc COVID-19 mới trong những tuần gần đây.
Thông báo của Bộ Y tế Tunisia cho biết lệnh giới nghiêm được áp đặt hồi đầu tháng 10 ở một số thành phố lớn của quốc gia Bắc Phi này sẽ được kéo dài thêm 3 tuần. Lệnh cấm được áp dụng từ 20h hôm trước đến 5h hôm sau trong khoảng thời gian từ thứ Hai đến thứ Sáu, và từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau trong 2 ngày cuối tuần. Các biện pháp hạn chế khác cũng được mở rộng, trong đó có lệnh cấm đi lại giữa các địa phương, cấm tụ tập trên 4 người ở những nơi công cộng, các quán cà phê và nhà hàng phải đóng cửa lúc 16h00... Tuy nhiên, các trường học vẫn được phép mở cửa với số lượng hạn chế. Trước đó, Chính phủ Tunisia đã nhiều lần dỡ bỏ lệnh giới nghiêm và các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục nền kinh tế và xã hội.
Theo Viện thống kê quốc gia Tunisia, kể từ khi áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ tháng 3 - 6/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 3/2020 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt lên hơn 18%, và sau đó giảm xuống còn 16,2% trong quý 3. Hiện nay, quốc gia có 11 triệu dân này ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19/ngày trong những tuần gần đây, và các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Tính đến ngày 16/11, Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 80.404 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.345 ca tử vong.