Nobel 2024: Những gương mặt được kỳ vọng lên ngôi tại giải Vật lý

Vào lúc 16h45 ngày 8/10 theo giờ Việt Nam, cả thế giới khoa học sẽ đổ dồn ánh mắt về Stockholm (Thụy Điển) để theo dõi lễ công bố giải Nobel Vật lý năm 2024 – giải thưởng danh giá tôn vinh những khối óc thiên tài. Đây là giải thưởng mang đến hy vọng về những khám phá và phát minh có khả năng làm thay đổi tương lai của nhân loại, đúng như tầm nhìn của người sáng lập, nhà khoa học Alfred Nobel.

Chú thích ảnh
Nhà vật lý Christoph Gerber (người Thụy Sĩ). Ảnh: unibas.ch

Sau khi giải Nobel Y Sinh 2024 đã thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun với nghiên cứu đột phá về microRNA và vai trò của loại RNA này trong việc điều hòa gene, cuộc đua cho giải thưởng vật lý cũng đang nóng lên từng giờ. Những dự đoán nổi bật nhất năm nay xoay quanh các công trình mang tính đột phá như "áo tàng hình", kính hiển vi lực nguyên tử và tính toán lượng tử – những khám phá đầy tiềm năng ứng dụng trong đời sống hiện đại.

Trong số những tên tuổi đang được bàn tán sôi nổi, nhà khoa học David Deutsch – Giáo sư vật lý tại trường Đại học Oxford (Anh) - và nhà toán học người Mỹ Peter Shor được kỳ vọng sẽ tỏa sáng. Cả hai đã ghi dấu ấn lớn với những đóng góp tiên phong trong các thuật toán lượng tử và tính toán lượng tử, mở ra cuộc cách mạng trong cách chúng ta hiểu về vũ trụ.

Ông David Pendlebury, người đứng đầu nhóm phân tích của Clarivate - tổ chức chuyên dự đoán các ứng cử viên Nobel, nhận định rằng hai nhà khoa học Deutsch và Shor có cơ hội cao nhờ những đóng góp khoa học nổi bật và số lượng trích dẫn khổng lồ từ công trình của họ. Điều duy nhất khiến ông David Pendlebury còn băn khoăn hiện nay là khả năng có thêm giải Nobel cho cơ học lượng tử chỉ sau 2 năm kể từ khi ba nhà khoa học Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger đoạt giải với nghiên cứu về hiện tượng rối lượng tử.

Một phát minh khác không kém phần thú vị và được kỳ vọng gây chấn động năm nay là "áo tàng hình" của nhà vật lý người Anh John B. Pendry. Phát minh này sử dụng các vật liệu có khả năng bẻ cong ánh sáng, khiến vật thể trở nên vô hình. Điều này không chỉ khiến khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực mà còn hứa hẹn những ứng dụng không tưởng trong các lĩnh vực quân sự, y học và nhiều ngành công nghiệp khác.

Cùng với đó, lĩnh vực quang học và quang tử học cũng đang ghi nhận những thành tựu đáng kinh ngạc. Nhà khoa học mang quốc tịch kép Italy - Mỹ Federico Capasso được nhắc đến nhiều với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phát triển laser bức xạ tầng lượng tử -  công nghệ có khả năng ứng dụng mạnh mẽ trong viễn thông và các hệ thống cảm biến hiện đại.

Một cái tên khác cũng gây ấn tượng mạnh trong danh sách dự đoán là nhà vật lý Christoph Gerber (người Thụy Sĩ). Ông đã có đóng góp lớn cho sự ra đời của kính hiển vi lực nguyên tử, một công cụ cách mạng hóa cách chúng ta quan sát thế giới nano với độ chính xác chưa từng có. Nếu được vinh danh, ông có thể chia sẻ vinh dự này với Gerd Binnig, nhà vật lý người Đức đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1986.

Một điểm nhấn nữa trong cuộc đua Nobel Vật lý năm nay là nhà thiên văn học Sara Seager, mang quốc tịch kép Canada - Mỹ. Bà được kỳ vọng sẽ nhận giải nhờ những phương pháp tiên phong trong việc tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời bằng cách phân tích khí quyển của chúng. Giữa lúc nhân loại đang khát khao tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, những nghiên cứu của bà Seager có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong thám hiểm vũ trụ.

Trong số những dự đoán đáng chú ý khác, nhà vật lý Lene Hau từ Đan Mạch gây ấn tượng với công trình về "ánh sáng chậm". Năm 1999, bà Hau cùng nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc làm chậm tốc độ ánh sáng khi truyền qua đám mây nguyên tử ở trạng thái Bose-Einstein. Thậm chí, họ còn dừng ánh sáng hoàn toàn và sau đó khởi động lại ánh sáng, tạo ra những tiềm năng chưa từng có cho tương lai của công nghệ quang học.

Ngoài ra, không thể không kể đến nhóm 3 nhà khoa học Allan MacDonald (Canada), Rafi Bistritzer (Israel) và Pablo Jarillo-Herrero (Tây Ban Nha), những người đã giành giải Wolf Vật lý năm 2020 nhờ phát hiện graphene xoắn hai lớp. Công trình này không chỉ là bước đột phá trong nghiên cứu vật liệu mà còn mở ra hy vọng cho một cuộc cách mạng năng lượng trong tương lai nhờ khả năng dẫn điện độc đáo của graphene.

Giải Nobel Vật lý bắt đầu được trao từ năm 1901 nhằm tôn vinh những cá nhân đã "mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại", theo di nguyện của Alfred Nobel. Năm ngoái, giải thưởng này được trao cho "bộ ba" Pierre Agostini (Pháp), Ferenc Krausz (Hungary - Áo) và Anne L'Huillier (Thụy Điển - Pháp) nhờ nghiên cứu về các xung ánh sáng siêu nhanh để phân tích các electron bên trong nguyên tử và phân tử.

Lễ trao giải Nobel Vật lý 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tại Stockholm (Thụy Điển), ngày tưởng niệm sự ra đi của Alfred Nobel năm 1896. Những nhà khoa học được vinh danh sẽ nhận bằng khen, huy chương vàng và phần thưởng trị giá 1 triệu USD từ tay Vua Carl XVI Gustaf, đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp khoa học của họ. Liệu ai sẽ là chủ nhân của giải thưởng cao quý này? Tất cả sẽ được hé lộ vào chiều nay.

Thanh Phương (TTXVN)
Giải Nobel Y sinh 2024 vinh danh 2 nhà khoa học người Mỹ
Giải Nobel Y sinh 2024 vinh danh 2 nhà khoa học người Mỹ

Ngày 7/10/2024 (giờ Việt Nam), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2024 thuộc về 2 nhà khoa học Victor Ambros và Gary Ruvkun với việc phát hiện ra RNA siêu nhỏ (microRNA hay microARN), qua đó khám phá ra nguyên lý cơ bản chi phối cách thức điều hòa hoạt động của gene.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN