Báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của IMF cho thấy nợ công toàn cầu sẽ đạt mức tương đương 93% GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 và gần 100% GDP toàn cầu vào năm 2030, vượt qua mức đỉnh điểm 99% GDP trong thời kỳ COVID-19. Con số này cũng cao hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát khiến chi tiêu của các chính phủ tăng vọt.
Được công bố một tuần trước khi IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cuộc họp thường niên tại Washington, báo cáo Giám sát Tài chính cho biết có những lý do để tin rằng mức nợ công trong tương lai có thể cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại do nhu cầu chi tiêu nhiều hơn ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong báo cáo trên, IMF cho biết áp lực chi tiêu để giải quyết các bài toán về chuyển đổi xanh, dân số già, lo ngại về an ninh và những thách thức phát triển lâu dài đang gia tăng.
Lo ngại của IMF về mức nợ tăng cao xuất hiện ba tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó cả hai ứng cử viên đều cam kết sẽ áp dụng các chính sách giảm thuế và chi tiêu mới có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
Theo ước tính chính của Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB), kế hoạch cắt giảm thuế của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ khiến nợ mới của Mỹ tăng thêm khoảng 7.500 tỷ USD trong 10 năm, gấp hơn 2 lần mức tăng nợ công dự kiến 3.500 tỷ USD từ kế hoạch của Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Nợ công có thể tiếp tục tăng lên đáng kể do tăng trưởng kinh tế yếu, điều kiện tài chính thắt chặt và sự không chắc chắn ngày càng lớn về chính sách tài khóa và tiền tệ trong các nền kinh tế có tầm quan trọng hệ thống như Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo của IMF đề cập tới một "kịch bản bất lợi nghiêm trọng" liên quan đến các yếu tố này, cho thấy nợ công toàn cầu có thể tăng lên tương đương 115% GDP chỉ trong 3 năm, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại.