Đài Sputnik đưa tin sau khi tiến hành giải trình tự gien của các hành khách bị phát hiện mắc COVID-19 khi nhập cảnh hồi tháng 10, các nhà nghiên cứu nhận thấy dấu vết của Omicron trong một số mẫu phẩm.
Tuần trước, quốc gia này cũng đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đầu tiên là hai hành khách đến từ Nam Phi.
Kể từ khi được ghi nhận lần đầu tại Nam Phi vào tuần trước, cho đến nay, hơn 20 quốc gia đã báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại Omicron là biến thể đáng lo ngại với lượng đột biến cao hơn nhiều so với chủng Delta.
Sự xuất hiện của biến chủng này đã khiến hàng loạt quốc gia ban bố lệnh cấm đi lại đối với khu vực phía Nam châu Phi, cũng như tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn virus lây lan, trong đó có đóng cửa biên giới và đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, WHO cảnh báo việc cấm đi lại đại trà không thể ngăn chặn Omicron lan rộng. Trong thông điệp gửi tới các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên áp dụng những biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ".
Hiện chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo liên quan tới Omicron và phải mất nhiều tuần để biết biến thể này có khả năng kháng vaccine hoặc gây bệnh nghiêm trọng hơn Delta hay không.