Lý do Tel Aviv trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Theo nghiên cứu mới được công bố hôm 1/12, thành phố Tel Aviv của Israel đã “soán ngôi” Paris trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021.

Chú thích ảnh
 Lần đầu tiên trong lịch sử, Tel Aviv trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), từ vị trí thứ 5, Tel Aviv đã vươn lên vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm nay do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố.

Theo đó, sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đã đẩy chi phí sinh hoạt ở nhiều thành phố lớn nhất thế giới lên cao. Cùng với đó, lạm phát đang ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm qua. EIU cho rằng sự vươn hạng mạnh mẽ của Tel Aviv là do sự gia tăng của giá hàng hóa và vận tải cũng như sức mạnh của đồng shekel Israel so với đồng USD.

Báo cáo EIU về chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm nay đã cho thấy nhiều sự biến động. Chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm 2021 theo dõi chi phí sinh hoạt tại 173 thành phố khắp toàn cầu, nhiều hơn 40 so với năm ngoái, và so sánh giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ hàng ngày. Dữ liệu cho cuộc khảo sát, đã được thực hiện trong hơn ba thập kỷ, được nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu của EIU thu thập vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Chỉ số này được so sánh với giá cả ở thành phố New York, do đó các thành phố có tiền tệ mạnh hơn so với USD có khả năng đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng.

Chú thích ảnh
Paris đã bị đẩy lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay. Ảnh: CNN

Cùng đứng ở vị trí thứ hai với thủ đô Paris là Singapore. Zurich và Hong Kong (Trung Quốc) lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5. New York, Geneva, Copenhagen, Los Angeles và Osaka chiếm các vị trí còn lại trong top 10. Các thứ hạng cao chủ yếu là các thành phố phát triển châu Âu và châu Á. Các thành phố có thứ hạng thấp nhất chủ yếu ở Trung Đông, châu Phi và các khu vực kém giàu có hơn ở châu Á.

EIU cũng đánh giá rằng chi phí hàng hóa và dịch vụ trung bình được đề cập trong chỉ số này đã tăng 3,5% so với năm trước tính theo nội tệ, so với mức tăng 1,9% vào thời điểm này năm ngoái. Chi phí vận tải có mức tăng giá lớn nhất, với giá xăng không chì tăng 21%.

Thành phố tăng giá cao nhất vào năm 2021 là thành phố Tehran của Iran, đã tăng 50 bậc từ vị trí thứ 79 lên vị trí thứ 29 do các lệnh trừng phạt của Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Thành phố Damascus của Syria một lần nữa được xếp hạng là thành phố rẻ nhất trên thế giới, khi nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh của nó tiếp tục gặp khó khăn. Damascus và Tehran đang đối mặt với tình trạng lạm phát rất cao vào năm 2021. Caracas ở Venezuela và Buenos Aires ở Argentina rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo các chuyên gia, những vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đã góp phần làm tăng giá cả trong khi đại dịch COVID-19 cũng như các hạn chế xã hội vẫn đang ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trên khắp thế giới. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cũng gây ra nhiều lo ngại và các chuyên gia dự đoán những khó khăn trên có thể còn kéo dài.

Bà Upasana Dutt, nhà nghiên cứu kinh tế tại EIU, cho biết: “Mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện đang phục hồi khi vaccine Covid-19 được triển khai, nhiều thành phố lớn vẫn đang chứng kiến số ca mắc tăng đột biến, dẫn đến các hạn chế xã hội. Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn”.

Hải Vân/Báo Tin tức
Các quốc gia châu Á đối phó với biến thể Omicron như thế nào?
Các quốc gia châu Á đối phó với biến thể Omicron như thế nào?

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia châu Á phải thay đổi kế hoạch, từ rục rịch mở cửa biên giới để sống chung với dịch bệnh sang thắt chặt các quy định nhập cảnh và cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN