Khảo sát của tổ chức nghiên cứu Conference Board đưa ra ngày 25/5 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn mạnh trong quý II/2021, song đà phục hồi từ mức thấp do đại dịch COVID-19 gây ra, bắt đầu từ tháng 2/2020, khá bấp bênh.
Thị trường nhà đất đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, khi doanh số bán nhà đơn lẻ mới giảm trong tháng 4/2021 giữa lúc khan hiếm nguồn cung, mà đã đẩy giá nhà tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 15 năm.
Joel Naroff, nhà kinh tế trưởng tại Naroff Economics ở Holland, Pennsylvania, cho rằng nhiều người muốn "đổ lỗi" cho lạm phát dù cho hoạt động kinh tế đang trở lại mức trước khi đại dịch xảy ra.
Conference Board cho hay chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 117,2 trong tháng 5/2021 so với mức 117,5 trong tháng 4/2021, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. Con số này cũng thấp hơn so với mức dự báo 119,1 của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra.
Lạm phát đang nổi lên khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế dịch bệnh được dỡ bỏ, cùng với các biện pháp kích thích tài chính đã thúc đẩy nhu cầu bị tích tụ gia tăng, trong khi nguồn cung hạn chế, điều này dẫn đến giá nhiều mặt hàng tăng cao.
Chỉ số kỳ vọng, dựa trên triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng đối với điều kiện thu nhập, kinh doanh và thị trường lao động, đã giảm xuống 99,1 so với mức 107,9 trong tháng 4/2021. Dự báo lạm phát của người tiêu dùng trong 12 tháng tới đã tăng lên 6,5% so với mức 6,2% của tháng trước.
Trong một báo cáo khác công bố ngày 25/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán nhà mới đã giảm 5,9% xuống mức điều chỉnh theo mùa là 863.000 căn trong tháng 4/2021, thấp hơn so với mức 917.000 căn trong tháng Ba. Tuy nhiên, doanh thu tăng 48,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường nhà mới đang được thúc đẩy nhờ số lượng căn tồn ở gần mức thấp kỷ lục, đặc biệt là những nhà cấp thấp. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu về chỗ ở rộng rãi và đắt tiền hơn khi hàng triệu người Mỹ làm việc và học tập tại nhà.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến nguồn lao động tại các nhà máy gỗ và cảng, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ xẻ và các nguyên liệu khác, làm cản trở hoạt động xây mới để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung nhà ở.
Một báo cáo thứ ba cho thấy chỉ số giá nhà của S&P CoreLogic Case-Shiller đã tăng 13,2% trong tháng 3/2021 so với một năm trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2005, sau khi tăng 12,0% trong tháng Hai.
Thông tin về lạm phát giá nhà ở đã được củng cố thêm bởi báo cáo thứ tư từ Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang cho thấy chỉ số giá nhà do cơ quan này đo lường đã tăng kỷ lục 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3/2021, sau khi tăng 12,4% trong tháng 2/2021.
Nhà Trắng ngày 25/5 thông báo sẽ theo dõi sát sao tình trạng giá nhà tăng vọt, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận thị trường nhà ở.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế và các quan chức Fed không cho rằng “bong bóng” nhà ở đang xuất hiện, cho rằng giá nhà tăng là do sự chênh lệnh giữa cung và cầu, không phải do hoạt động cho vay kém, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.