Phát biểu ngày 3/5 tại một hội thảo, ông John Williams, người đứng đầu chi nhánh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York, dự đoán nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi tăng trưởng vào khoảng 7% trong năm nay sau giai đoạn khó khăn nhất do cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong tháng 3 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 900.000 việc làm và lượng việc làm trong những tháng tới được kỳ vọng sẽ tăng cao khi hoạt động kinh tế tiếp tục mở rộng trở lại. Với chính sách tài chính phù hợp, các biện pháp tài trợ tài chính mạnh và chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai nhanh chóng, ông Williams kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay sẽ là nhanh nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Mặc dù lạc quan rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng, ông Williams cho rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ và toàn diện. Ông nhấn mạnh cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây ra những hệ lụy nặng nề nhất cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp gia tăng ở nhóm lao động nói tiếng Tây Ban Nha và lao động da màu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cần thị trường việc làm tăng trưởng mạnh trong vài tháng tới để đạt được sự phục hồi hoàn toàn. Do đó, FED sẽ không vội vàng thay đổi các chính sách kích thích hiện hành.
Ông Williams cũng cho rằng chính sách kích thích kinh tế của FED, bao gồm cả lãi suất gần bằng 0%, có "tác động tích cực" đến nền kinh tế, cho phép người dân Mỹ mua nhà và hàng hóa giá trị lớn. Khi hoạt động kinh tế và nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên sau nhiều tháng ảm đạm, giá năng lượng tăng và sự phục hồi sau suy thoái sẽ đẩy giá cả lên cao hơn, làm dấy lên lo ngại về vòng xoáy lạm phát. Tuy nhiên, ông khuyến cáo không nên "phản ứng thái quá" đối với các đợt tăng giá do hoàn cảnh dịch bệnh đặc biệt, đồng thời dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của FED vào năm 2022.
Cùng ngày, một cuộc khảo sát do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố cho thấy đà phục hồi trong ngành sản xuất của Mỹ sau đợt suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã chậm lại trong tháng 4, trong bối cảnh các nhà máy chật vật để đáp ứng nguồn cung. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng trong thời gian tới. Cụ thể, trong tháng qua, chỉ số quản lý thu mua (PMI) đạt 60,7%, thấp hơn 4% so với tháng 3 song vẫn trên ngưỡng 50%. Thông thường, chỉ số PMI một khi đạt trên 50% đều phản ánh ngành sản xuất nói chung của nền kinh tế tăng trưởng.
Đánh giá Mỹ là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, đầu tháng 4 vừa, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nước này sẽ phục hồi kinh tế vững chắc với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay đạt 6,4%, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Con số này cao hơn 1,3% so với dự báo IMF đưa ra trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ giảm từ 8,1% năm ngoái xuống còn 5,8% năm nay và 4,1% trong năm 2022. Chính gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kéo Mỹ thoát khỏi "vũng lầy" suy thoái. Ngoài ra, chương trình tiêm phòng vaccine được triển khai trên quy mô lớn và với tốc độ thần tốc - bỏ xa châu Âu và châu Á - cũng được xem là một lực đẩy quan trọng "tiếp sức" cho hoạt động kinh tế Mỹ khôi phục nhanh chóng.