Trong ấn phẩm “Thế giới tương lai của chúng ta”, một ấn bản định kỳ 10 năm ghi nhận các xu hướng lớn toàn cầu, CSIRO đã chỉ ra 7 xu hướng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ định hình thế giới 20 năm tới, trong đó có thích ứng với biến đổi khí hậu, thách thức đối với sức khỏe con người gia tăng và xu hướng ngày càng phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Stefan Hajkowicz, đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết một số xu hướng đã được thảo luận rộng rãi, trong khi các xu hướng khác mới hơn và liên quan trực tiếp tới những gì đã trải qua trong đại dịch COVID-19. Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu hiểu được những tác động lâu dài có thể xảy ra của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần và bệnh mãn tính.
Báo cáo cảnh báo đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các thách thức đối với sức khỏe con người, theo đó tại Australia cứ 5 người thì có một người hiện đang bị ảnh hưởng tâm lý mức cao hoặc rất cao trong đại dịch.
Thêm vào đó, sự bùng nổ số hóa do đại dịch, việc tập trung nguồn lực giải quyết những khó khăn về nguồn tài nguyên, bao gồm an ninh lương thực, cũng được xác định là những xu hướng lớn đáng kể.
Theo báo cáo, chỉ số niềm tin cao kỷ lục của người dân Australia vào các tổ chức trong đại dịch đã sụt giảm nghiêm trọng. Trong hai năm 2020 và 2021, chỉ số niềm tin vào khối doanh nghiệp giảm 7,9% và niềm tin vào chính phủ giảm 14,8%.
Tuy nhiên, ông Larry Marshall, Giám đốc điều hành của CSIRO cho rằng những thách thức sẽ giúp con người tạo ra những phát kiến mạnh mẽ nhất theo cách khoa học nhất. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang có cơ hội sử dụng khoa học để tạo ra thế giới mà chúng ta muốn, nhưng chúng ta phải hành động và phải làm điều đó cùng nhau”.