Những tiết lộ chấn động nhất trong phiên điều trần của cựu Giám đốc FBI

Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ ngày 8/6, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã đưa ra các tiết lộ chấn động về chính quyền Donald Trump trong vụ điều tra liên quan tới Nga.

Trong đó, ông Comey – người bất ngờ bị sa thải hồi tháng 5 sau 4 năm giữ chức vụ - đưa ra lời khai bằng văn bản chi tiết về 5 cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump. Tài liệu đó đã xác nhận hầu như mọi báo cáo trước đây về các hoạt động trao đổi của họ. Quan trọng nhất, nó đã xác định rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Comey cam kết trung thành và phải chứng tỏ sự trung thành đó bằng cách từ bỏ cuộc điều tra của FBI đối với cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn trong bê bối quan hệ với chính phủ Nga.

Trong buổi làm việc, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng đã dành 3 tiếng để làm rõ các chi tiết trong lời kể của cựu Giám đốc FBI Comey, động cơ đằng sau hành động của ông, các lời khai của ông về động cơ của Tổng thống Mỹ và bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton.

Ông James Comey tại buổi điều trần. Ảnh: Reuters

Theo Tạp chí New York Magazine, dưới đây là những điểm đáng chú ý trong lời khai của ông James Comey:

1. Tổng thống Trump có thể phạm tội cản trở công lý

Cựu Giám đốc FBI đã được hỏi nhiều lần liệu rằng ông có tin về việc Tổng thống Trump đã cản trở công lý. Ông Comey từ chối phát biểu trực tiếp về vấn đề này song cho biết ông tin “luật sư đặc biệt sẽ làm việc để hướng tới” một kết luận cho câu hỏi đó và đó là luật sư Bob Mueller. 

Tại một thời điểm, Thượng nghị sĩ James Risch trong vai trò luật sư bào chữa cho ông chủ Nhà Trắng, lưu ý rằng ngài tổng thống chỉ nói với ông Comey rằng ông hy vọng vị Giám đốc FBI sẽ ngừng điều tra cựu cố vấn Flynn. 

“Ông có biết bất cứ trường hợp nào mà một người bị buộc tội cản trở công lý, đối với vấn đề đó, hay bất cứ hành vi phạm tội khác, khi họ nói hoặc nghĩ rằng họ hy vọng về một kết quả?”, Risch hỏi ông Comey. 

Dù không đưa ra được câu trả lời song ông Comey đã làm rõ rằng ông coi lời nói của ông Trump là một mệnh lệnh. Đối với quan chức này, câu “tôi hy vọng” của ông Trump chính là thứ “ông ấy muốn tôi làm”. 

Không tuyên bố nào của ông Comey trực tiếp đề cập đến việc ông cho là Tổng thống Mỹ đã phạm tội cản trở công lý. Tuy nhiên, ông tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã cố can thiệp vào một cuộc điều tra liên bang, và luật sư đặc biệt nên ít nhất xem xét phải chăng việc can thiệp này cấu thành một tội hình sự. 

2. Cáo buộc Tổng thống Mỹ “nói dối”, “xúc phạm” FBI

Trong lời khai, cựu Giám đốc FBI Comey cho biết sau cuộc gặp đầu tiên với tân Tổng thống Trump bàn về cáo buộc chính quyền mới có quan hệ với chính phủ Nga, ông đã quyết định làm báo cáo ghi lại mọi lần làm việc cùng tân Tổng thống Mỹ - mặc dù trước đây ông không làm bất cứ báo cáo nào sau các cuộc gặp với ông Barack Obama. 

Ông nhấn mạnh rằng “bản chất của con người” là một yếu tố khiến ông lập hồ sơ 5 cuộc gặp. “Tôi thực sự lo ngại ông ấy có thể lừa dối về bản chất cuộc gặp của chúng tôi, nên tôi nghĩ cần thiết để ghi văn bản lại”, ông Comey nói.

Hay nói cách khác, ông Comey nhìn nhận Tổng thống Mỹ là một kẻ dối trá. “Mặc dù luật pháp không yêu cầu lý do để sa thải một giám đốc FBI, chính quyền sau đó đã chọn cách phỉ báng tôi, quan trọng hơn là FBI, bằng việc nói cơ quan này là đang bị hỗn loạn, rằng nó được lãnh đạo kém cỏi và đội ngũ nhân viên đã đánh mất niềm tin với người lãnh đạo của nó”, ông Comey nói, “Những lời đó là dối trá. Rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa”.

3. Ông Comey cung cấp tài liệu cho báo giới để thúc đẩy việc bổ nhiệm luật sư đặc biệt trong vụ điều tra 

Hai ngày sau khi ông James Comey bị cách chức, tờ New York Times đưa tin rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu Giám đốc FBI cam đoan về lòng trung thành của bản thân đối với ông trong một bữa tối hồi tháng 1. Buổi sáng hôm sau, Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter cá nhân như một lời đe dọa với ông Comey rằng cựu quan chức này nên hy vọng là “không có cuộn băng nào hết”.  

Ông đã quyết định đưa các ghi chép của mình với báo chí nhằm thúc đẩy Bộ Tư pháp Mỹ chọn ra một luật sư đặc biệt cho cuộc điều tra về mối quan hệ của chính quyền Donald Trump với Nga. 

4. Về câu nói của Bộ trưởng Tư pháp

Ông Comey cho biết, Bộ trưởng Tư pháp Lorretta Lynch đã yêu cầu ông công khai những manh mối trong vụ điều tra bê bối lộ thư điện tử của bà Clinton thay vì tiến hành một cuộc điều tra. Lời yêu cầu này khiến ông cảm thấy “khó chịu” nên đã quyết định giữ bà Lynch tránh xa khỏi vụ điều tra.

5. Ông Comey tin mình bị cách chức do ông Trump không tán thành cách thức điều hành cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Chính ông Trump cũng đã nói điều này trên sóng truyền hình quốc gia. Cựu Giám đốc FBI Comey cho rằng việc sa thải ông là cách nào đó nhằm thay đổi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và là một “cuộc mặc cả lớn”. 

Xuân Chi/Báo Tin Tức
Tổng thống Mỹ Donald Trump có 'cản trở người thi thành công vụ' James Comey?
Tổng thống Mỹ Donald Trump có 'cản trở người thi thành công vụ' James Comey?

Theo nhà phân tích luật pháp cấp cao Jeffrey Toobin, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị dừng điều tra đối với ông Flynn trong cuộc gặp riêng với ông Comey khi ông này còn là Giám đốc FBI có thể coi là hành động cản trở người thi hành công vụ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhận định như vậy là quá vội vàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN