Những người hùng trong thảm họa Titanic

Tròn một thế kỷ sau vụ thảm họa của con tàu Titanic, thế giới vẫn không thể quên những gì đã xảy ra trong đêm 14/4/1912 định mệnh. Trong thời khắc hỗn loạn ấy, nhiều người mà sau này trở thành nạn nhân vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương, có thể đã không để ý tới những âm thanh lay lắt phát ra từ những chiếc phong cầm do dàn hợp xướng của các nghệ sĩ Mỹ Latinh biểu diễn, giữa lúc con tầu từ từ chìm xuống đáy đại dương.

Antonio Uruchurtu Aguayo (trái) và Alejandro Garate Uruchurtu (phải) là chắt và cháu họ của nhà ngoại giao Mêhicô, Manuel Uruchurtu, người đã có nghĩa cử hào hiệp nhường chỗ của mình trên chiếc xuồng cứu sinh cho một phụ nữ để nhận lấy cái chết trong vụ thảm họa Titanic.


Thống kê sau này cho biết, trong số hơn 2.000 hành khách đi trên tàu Titanic, có nhiều người mang dòng máu Mỹ Latinh. Đặc biệt, trong số họ có 4 nhạc công người gốc Tây Ban Nha, đã quyết “bám trụ” trên boong tàu và anh dũng hy sinh cùng với những cây đàn trong tay. Theo một phát ngôn viên của hãng Musealia - công ty đứng ra tổ chức cuộc triển lãm về Titanic - trong danh sách những hành khách Mỹ Latinh đi trên con tàu định mệnh ấy có ông Manuel R. Uruchurtu, người Mêhicô; ông Edgardo Abdrew, người Áchentina, và ba công dân Urugoay là Ramon Artegaveytia, Francisco Carrau và Jose Pedro Carrau.

Trong khi đó, cuốn bách khoa toàn thư về Titanic cũng có nhắc tới một nữ phục vụ bàn người Áchentina, tên là Violeta Jessop, người may mắn sống sót trong vụ đắm tàu; ông Servando Jose Florentino Ovies và Rodriguez, người sau cùng này được cho là mang quốc tịch Cuba, nhưng cũng có nguồn tin khẳng định là công dân xứ Asturias, định cư tại La Habana.

Trong số những tấm gương về lòng can đảm, nghĩa cử hào hiệp và phẩm chất cao quí phải kể đến Manuel R. Uruchurtu, vị hành khách Mêhicô duy nhất, một chính trị gia sinh tại Hermosillo và là thành viên trong một gia đình quyền thế và rất nổi tiếng thuộc vùng Tây Bắc Mêhicô. Ngay trong đêm tàu Titanic đâm phải tảng băng, Manuel Uruchurtu được xuống thuyền cứu hộ mang số 11, nhờ chức danh nghị sĩ của ông vừa đi thăm Pháp trở về. Khi đó - theo hồi ký của Alejandro Garate Uruchurtu, một người cháu họ của ông và là thành viên trong tổ chức Sociedad Histórica del Titanic - xuất hiện một phụ nữ người Anh tên là Elizabeth Ramell Nye và bà này van nài ông cho được thế chỗ trên xuồng cứu sinh với lý do chồng và con trai đang đợi bà ở New York”. Ông Manuel Uruchurtu đã nhường vị trí của mình với một điều kiện là bà Elizabeth sẽ phải đến thăm gia đình ông tại Veracruz (một thành phố biển ở Mêhicô) và kể cho họ về số phận của mình. Năm 1924, Elizabeth đã thực hiện lời hứa và bay sang Mêhicô để gặp bà quả phụ của ông Uruchurtu. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, người ta khám phá ra rằng Elizabeth đã nói dối, bởi vì bà chưa từng có chồng và cũng không có một đứa con trai nào cả.

Một người nữa có nghĩa cử hào hiệp là chàng thanh niên người Áchentina tên là Edgardo Andrew, sinh tại vùng Rio Cuarto và là con trai của đôi vợ chồng người Anh. Năm 17 tuổi, Andrew sang theo học tại Anh quốc. Một năm sau đó, Andrew viết thư cho người yêu của mình tên là Josey, nói rằng anh không thể chờ cô tại nước Anh với lý do sẽ đi sang Mỹ trên con tàu Titanic. Trong bức thư gửi cho cô người yêu, Andrew viết: “Josey, em hãy tưởng tượng xem anh đang đi trên một con tàu lớn nhất thế giới, nhưng anh không hề cảm thấy một chút gì tự hào, vì trong giây phút này đây, anh chỉ mong con tàu Titanic nằm sâu dưới đáy đại dương”.

Sau khi con tàu đâm phải tảng băng vào ngày thứ tư trong cuộc hành trình xuyên đại dương, Andrew rời khỏi buồng và chạy ra hành lang. Tại đây, anh đã gặp Winnie Trout, người sau này sống sót và trở thành nhân chứng quan trọng đối với các sử gia. Khi đề cập về vụ thảm họa gần 40 năm sau đó, bà Winnie đã khẳng định lời kể của các thân nhân trong gia đình Andrew rằng chính anh đã cởi chiếc áo phao mình đang mặc để nhường cho Winnie khi thấy bà hoàn toàn thất vọng, và sau đó anh lao người xuống biển.

Cô gái phục vụ bàn người Áchentina, Violeta Jessop, may mắn sống sót trong thảm họa tàu Titanic. Violeta có cha mẹ là người Ailen, nhưng sinh ra tại Achentina vào năm 1887. Ngoài vụ đắm tàu Titanic, Violeta còn từng đối mặt với hai thảm họa khác, nhưng đều được cứu sống. Đó là vụ đắm tàu Kawke năm 1911 và tàu Britannic, năm 1916. Trong hồi ký của mình, Violeta kể lại rằng từ trên chiếc xuồng cứu sinh bà đã chứng kiến con tàu Titanic chìm dần như thế nào, và bà phải chịu đựng cái cảm giác đau khổ suốt 8 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển cả cho tới khi được tàu Carpathia đến cứu. “Khi chiếc xuồng cứu sinh từ từ hạ xuống , một viên sĩ quan ấn cho tôi một đứa bé rồi đẩy tôi xuống thuyền”, Violeta nhớ lại.

Một câu chuyện cũng không kém xúc động khác là trường hợp chủ điền trang giầu có người Uruguay, Ramon Artagaveytia. Là một hành khách hạng nhất, Ramon có quyền được xếp một vị trí trong bất kỳ chiếc xuồng cứu hộ nào. Tuy nhiên, ông đã quyết định không lên thuyền, mà ở lại trên boong tàu cùng sống chết với hai người đồng hương là anh em nhà Carrau. Những thời khắc cuối cùng của Artagaveytia là cả một sự bí ẩn. Khi nhận dạng thi thể, người ta phát hiện trong quần áo của ông một chiếc đồng hồ bỏ túi, với những chiếc kim dừng đúng một giờ sau khi con tàu bị đắm (02 giờ 25 phút).

Nấm mồ biển cả chôn vùi thi thể của hàng nghìn hành khách xấu số trên con tàu Titanic vừa tròn 100 năm. Có thể nhiều người trong chúng ta sẽ không chịu đựng nổi khi nhớ lại cái thảm cảnh đau thương khi con tàu Titanic bị nuốt dần vào lòng biển sâu, từng được tái hiện trong bộ phim cùng tên của James Cameron. Tuy nhiên, ngoài những bài học xương máu đối với những chuyến tàu vượt đại dương, vụ thảm họa Titanic còn cho chúng ta hiểu thêm phần nào về những con người có nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng đón nhận cái chết về mình để cho người khác được sống.


Bài và ảnh: Hà Thu Hoạch (P/v TTXVN tại Cuba)

Thế giới tưởng niệm 100 năm thảm kịch Titanic
Thế giới tưởng niệm 100 năm thảm kịch Titanic

Trong các ngày 14 và 15/4, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các sự kiện khác nhau để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm kịch xảy ra đúng 100 năm trước, khi con tàu Titanic đâm phải núi băng trôi và chìm xuống vùng biển băng giá phía bắc Đại Tây Dương vào rạng sáng ngày 15/4/1912.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN