Những người giàu nhất thế giới dùng hết ‘ngân sách carbon’ năm 2025 chỉ trong 10 ngày

Nhóm 1% người giàu có nhất thế giới đã sử dụng hết phần carbon của “ngân sách carbon” toàn cầu cho năm 2025 chỉ sau 10 ngày của năm mới.

Chú thích ảnh
Khí thải từ một nhà máy xử lý rác ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The Guardian ngày 10/1, ngân sách carbon là khái niệm mô tả lượng khí nhà kính có thể phát thải ra mà không khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức xác định, cụ thể là 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo phân tích của Oxfam GB, chỉ trong hơn một tuần, thói quen của một cá nhân thuộc nhóm tinh hoa này đã tạo ra trung bình 2,1 tấn khí CO2. Người thuộc nhóm 50% nghèo nhất nhân loại sẽ phải mất ba năm mới tạo ra lượng khí thải tương đương.

Khí CO2 được tạo ra mỗi khi các nhiên liệu chứa carbon như than, khí và dầu được sử dụng trong sản xuất điện, công nghiệp, sưởi ấm và giao thông bị đốt cháy.

Khi tích tụ trong khí quyển, CO2 có tác dụng cách nhiệt, ngăn chặn nhiệt từ Mặt trời truyền vào Trái đất phát tán trở lại không gian. Hậu quả khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên là phá vỡ các điều kiện khí hậu đã ổn định trong suốt 10.000 năm.

Các chính phủ đã cam kết giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5°C so với mức trước cách mạng công nghiệp, nhưng thế giới vẫn còn rất xa mục tiêu cần đạt được để duy trì mức độ này.

Nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến cuộc khủng hoảng mới với các sự kiện thời tiết cực đoan, từ hạn hán, bão lũ đến sóng nhiệt, dẫn đến mất an ninh lương thực, mất môi trường sống của động vật hoang dã, các sông băng biến mất, mực nước biển dâng cao và một loạt các tác động khác.

Theo phân tích, nhóm 1% người giàu có nhất đã phát thải lượng carbon gấp đôi so với nhóm 50% nghèo nhất nhân loại mỗi năm. Nhóm 1% có khoảng 77 triệu người và bao gồm tất cả những người có thu nhập trên 140.000 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, chính những người nghèo lại phải chịu tác động nghiêm trọng nhất do phá vỡ khí hậu và điều này tồi tệ hơn ở các khu vực nhiệt đới. Người nghèo cũng có ít nguồn lực để giảm thiểu các hậu quả thảm khốc do thay đổi khí hậu đột ngột, trong khi nhóm 1% người giàu có sống cuộc sống không bị khí hậu tác động trong các căn hộ có điều hòa, chủ yếu ở Bắc bán cầu.

Một cuộc điều tra chung của Oxfam và Viện Môi trường Stockholm vào năm 2023 đã phát hiện rằng, chỉ riêng lượng khí thải của nhóm 1% này sẽ đủ gây ra cái chết liên quan đến nắng nóng cho 1,3 triệu người trong những thập kỷ tới.

Bà Chiara Liguori, Cố vấn cao cấp về chính sách công bằng khí hậu của Oxfam GB, bình luận: “Tương lai của hành tinh chúng ta đang treo lơ lửng, thế nhưng những người siêu giàu vẫn được phép tiếp tục phung phí cơ hội của nhân loại với lối sống xa hoa và các khoản đầu tư gây ô nhiễm. Bây giờ các chính phủ cần ngừng chiều chuộng những người gây ô nhiễm giàu có nhất và thay vào đó, hãy buộc họ phải đóng góp phần công bằng vào những thiệt hại mà họ đã gây ra cho hành tinh của chúng ta. Những nhà lãnh đạo không hành động sẽ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đe dọa tính mạng của hàng tỷ người”.

Những người giàu nhất sống cuộc sống thực sự lãng phí khi sử dụng phần ngân sách carbon còn lại của thế giới. Nghiên cứu trước đây về bất bình đẳng khí hậu của Oxfam đã phát hiện ra rằng hai chiếc máy bay tư nhân của tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đã bay gần 25 ngày trong suốt 12 tháng, thải ra lượng carbon bằng với lượng mà một nhân viên Amazon ở Mỹ cần 207 năm mới bằng.

Ba chiếc du thuyền của gia đình Walton, những người thừa kế chuỗi bán lẻ Walmart, có lượng phát thải carbon kết hợp trong một năm lên tới 18.000 tấn - tương đương với lượng phát thải của 1.714 người làm việc tại Walmart.

Để tính toán phần carbon mà một cá nhân được phép thải ra trong ngân sách carbon còn lại của hành tinh, Oxfam đã lấy một ước tính từ báo cáo về khoảng cách khí thải của Liên hợp quốc. Báo cáo này nói về lượng khí thải vào năm 2030 để các nước có khả năng duy trì mục tiêu nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng 1,5°C. Lượng khí thải này được chia cho 8,5 tỷ - là dân số dự báo vào năm đó.

Để phù hợp với lộ trình 1,5°C, tới năm 2030, nhóm 1% giàu có nhất sẽ phải giảm 97% lượng khí thải từ mức năm 2015. Nhưng theo phân tích của Oxfam, họ có thể chỉ giảm được 5%.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các nước châu Á thúc đẩy đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua chuyển đổi năng lượng
Các nước châu Á thúc đẩy đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua chuyển đổi năng lượng

Ngày 11/10, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) đã nhất trí về một kế hoạch hành động 10 năm để thúc đẩy các nỗ lực như trực quan hóa lượng khí thải carbon của mỗi quốc gia để theo dõi tiến độ và thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN