Nhật Bản xem xét nâng mục tiêu khí hậu trong bối cảnh chuẩn bị đón thêm một mùa Hè oi nóng. Nhật Bản, quốc gia phát thải carbon dioxide lớn thứ năm trên thế giới, hiện đặt mục tiêu đến năm tài chính 2030 sẽ cắt giảm 46% lượng khí thải so với mức của tài khóa 2013. Theo đánh giá, nước này có khả năng sẽ cắt giảm được tới 60% lượng khí thải đến tài khóa 2035 nên đang cân nhắc hướng tới mục tiêu mới.
Trước đó, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các nước cắt giảm 60% lượng khí thải so với mức của năm 2019 để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu này của IPCC tương ứng với mức cắt giảm 66% lượng khí thải so với mức của tài khóa 2013, năm tiêu chuẩn đối với Nhật Bản.
Tuy nhiên, các tổ chức môi trường đang kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu cắt giảm sâu hơn nữa, vì đề xuất của IPCC chỉ là mức trung bình của thế giới, trong khi các quốc gia công nghiệp hóa cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn về lượng khí thải dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu.
Theo báo cáo do Bộ Môi trường Nhật Bản công bố hồi tháng 4 vừa qua, lượng phát thải ròng của nước này trong năm tài chính 2022, sau khi trừ đi lượng khí thải được rừng hấp thụ, đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 1,09 tỷ tấn CO2, giảm 22,9% so với mốc tài khóa 2013. Báo cáo nhấn mạnh con số này cho thấy "xu hướng giảm đều đặn hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Nhật Bản là một trong những quốc gia cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp hóa.