Những kỳ vọng của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO

Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Mỹ diễn ra từ ngày 8-11/7 trong bối cảnh bệnh viện nhi ở thủ đô Kiev của Ukraine vừa bị tấn công. NATO sẽ ra thông cáo vào ngày cuối hội nghị, xác nhận những gì Ukraine sẽ nhận được và không nhận được sau sự kiện này.

Hệ thống phòng không

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không Patriot tại Schwesing, Đức. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo kênh CNN, ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không mới cho Ukraine trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO.

Theo tuyên bố chung, Mỹ, Đức và Romania mỗi nước sẽ cung cấp một khẩu đội Patriot riêng, còn Hà Lan sẽ hợp tác với các quốc gia khác để bổ sung thêm một khẩu đội Patriot. Trong khi đó, Italy cũng sẽ cung cấp hệ thống phòng không tầm xa SAMP-T cho Ukraine.

Tuyên bố trên cho biết: “Các hệ thống phòng không sẽ giúp bảo vệ các thành phố, dân thường và binh lính Ukraine và chúng tôi đang phối hợp với chính phủ Ukraine để nhanh chóng sử dụng các hệ thống này”.

Trong bài phát biểu, ông Biden cam kết Mỹ sẽ đảm bảo rằng khi Mỹ xuất khẩu các hệ thống phòng không quan trọng, Ukraine sẽ luôn được ưu tiên. Ông nói thêm: “Họ sẽ nhận được sự hỗ trợ này trước tất cả”.

Israel cũng nhận được các tên lửa đánh chặn phòng thủ từ Mỹ, mặc dù nước này dựa nhiều hơn vào Vòm Sắt để đánh chặn thiết bị bay không người lái và tên lửa. Trước đó, Mỹ đã thảo luận về việc gửi hệ thống Patriot ở Israel tới Ukraine.

Ngoài các hệ thống phòng không tầm xa, Mỹ và các nước cũng sẽ cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung để giúp nước này đánh chặn thiết bị bay không người lái và tên lửa của Nga. Các hệ thống gồm các NASAMS, HAWK, IRIS T-SLM, IRIS T-SLS và Gepard. Tuyên bố cũng cho biết Canada, Na Uy, Tây Ban Nha, Anh và các nước khác sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong cung cấp hệ thống này cho Ukraine và nhiều nước khác sẽ cung cấp tên lửa đánh chặn.

Máy bay F-16

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Hoàng gia Hà Lan tại căn cứ Leeuwarden. Ảnh: MILITARNYI/TTXVN

Theo tờ Kyiv Independent ngày 9/10, NATO sẽ ra một tuyên bố về máy bay chiến đấu F-16, trong đó sẽ thông báo rằng loại máy bay này sẽ có mặt trên chiến trường Ukraine vào mùa hè này.

Từ lâu, Ukraine đã chuẩn bị tiếp nhận hàng chục máy bay F-16. Gần đây, Nga gia tăng tấn công sân bay của Ukraine, có thể là một nỗ lực nhằm làm gián đoạn quá trình đưa F-16 đến đây và triển khai.

Mặc dù các chuyên gia quốc phòng không kỳ vọng F-16 sẽ trở thành nhân tố thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng các máy bay này có thể tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công như vụ tấn công hàng loạt bằng tên lửa nhằm vào bệnh viện ngày 8/7.

Ngày 9/7, phát biểu trong một video đăng trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay ông sẽ đấu tranh để hội nghị thượng đỉnh NATO có những quyết định mạnh mẽ nhằm tăng cường phòng không Ukraine và có thêm máy bay tiêm kích F-16.

Tổng thống Zelensky nói: “Chúng tôi sẽ đấu tranh để đảm bảo an ninh hơn nữa cho Ukraine, và đó là vũ khí, tài chính, hỗ trợ chính trị”.

Tư cách thành viên NATO

Chú thích ảnh
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Không thể tránh khỏi thực tế là Ukraine vẫn còn lâu mới có thể gia nhập NATO. Một năm sau nỗ lực thất bại của Tổng thống Volodymyr Zelensky để nhận được lời mời trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào năm 2023, Ukraine đã điều chỉnh hoàn toàn những kỳ vọng của mình vào thời điểm này.

Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch chính sách đối ngoại của Quốc hội Ukraine, nói với Kyiv Independent: “Tất nhiên là chúng tôi muốn nhận được lời mời gia nhập NATO. Nhưng chúng tôi hiểu rằng hiện tại điều đó khó có thể thực tế được”.

Thay vào đó, văn bản cuối cùng sẽ đề cập đến tư cách thành viên không thể đảo ngược của Ukraine trong NATO. Điều này có nghĩa là sẽ không có mốc thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập NATO.

Nguồn tin trong chính phủ Ukraine tiết lộ rằng, mặc dù một số thành viên NATO ủng hộ Ukraine gia nhập khối này, trong đó có cả Pháp và Anh, những vẫn có những quốc gia không đồng ý. Có ý kiến ​​lo ngại rằng lý do là để lấy tư cách thành viên của Ukraine làm lá bài mặc cả trong đàm phán với Nga.

Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là liệu điều khoản “tư cách thành viên không thể đảo ngược” có gắn liền với cam kết nào từ phía Ukraine hay không.

Trước đó, ngày 5/7, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ NATO sẽ công bố kế hoạch “cầu nối tới tư cách thành viên” dành cho Ukraine. Quan chức cấp cao của Mỹ mô tả kế hoạch “cầu nối tới tư cách thành viên” là khá quan trọng, bao gồm phối hợp đào tạo, hậu cần và phát triển lực lượng.

Gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là không thể trong khi nước này đang xung đột với Nga. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng tư cách thành viên của Ukraine chỉ có thể được chấp thuận khi các thành viên NATO đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.

Về phần mình, Nga tuyên bố kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do chính gây ra cuộc xung đột hiện tại.

Hỗ trợ về ngoại giao và tài chính

Trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra, ông Jens Stoltenberg cho biết hồi cuối tháng 5: “Các đồng minh đã hỗ trợ quân sự trị giá khoảng 40 tỷ euro cho Ukraine mỗi năm. Chúng ta phải duy trì ít nhất mức hỗ trợ này mỗi năm trong thời gian cần thiết”.

Theo nguồn tin chính phủ Ukraine, thông cáo chung cuối cùng của NATO tại hội nghị lần này sẽ cam kết viện trợ quân sự cho NATO trị giá 40 tỷ USD vào năm tới, trong đó có các khoản đóng góp hàng năm từ các quốc gia thành viên.

Thông cáo cũng sẽ công bố hai diễn biến ngoại giao quan trọng. Thứ nhất, sẽ có một cuộc họp của tất cả các quốc gia đã ký thỏa thuận an ninh với Ukraine. Vẫn chưa biết các bên có ký kết một thỏa thuận chính thức hay không nhưng dự kiến ​​sẽ có hợp tác và phối hợp sâu sắc hơn giữa các nước ký kết.

Ba Lan là quốc gia mới nhất ký thỏa thuận an ninh với Ukraine dựa trên cam kết của Nhóm G7 vào tháng 7/2023.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp ở Vacsava, Ba Lan ngày 8/7/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Các quốc gia khác gồm Mỹ, Anh, Đức và Pháp, cũng như Liên minh châu Âu, đã ký các hiệp ước song phương tương tự để giúp Ukraine.

Thứ hai, NATO sẽ thiết lập một cơ cấu mới có nhiệm vụ phối hợp hỗ trợ và đưa quân đội Ukraine đến gần hơn với các tiêu chuẩn của NATO.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Mỹ từ ngày 9/7 đến 11/7. Ngoài đại diện của các nước thành viên, ngoại trưởng của 35 quốc gia được coi là đối tác của NATO cũng được mời tham dự. Trong đó, đáng chú ý là ngoại trưởng các nước Israel, Ai Cập, Jordan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp, không chỉ có lãnh đạo của 32 quốc gia thành viên NATO tham dự hội nghị thượng đỉnh mà còn có các quốc gia đối tác từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Nga khẳng định không tấn công các mục tiêu dân sự

Xem video Đại sứ Liên bang Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia và Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu tại phiên họp khẩn cấp về tình hình xung đột Nga - Ukraine ngày 9/7/2024 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguồn: UNTV/Reuters

Trong khi đó, ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tuyên bố của Ukraine rằng lực lượng Nga đã tấn công tên lửa vào các mục tiêu dân sự ở Kiev, cụ thể là bệnh viện, là sai sự thật.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định những bức ảnh và đoạn video do Kiev công bố cho thấy cảnh đổ nát là do hậu quả của tên lửa phòng không Ukraine, được phóng từ hệ thống tên lửa phòng không thành phố, rơi xuống.

Bộ Quốc phòng Nga cũng chỉ ra mối liên quan của những cáo buộc tương tự với hội nghị thượng đỉnh của NATO, chỉ trích Ukraine có hành động khiêu khích để đảm bảo có thêm nguồn tài trợ.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã dùng vũ khí chính xác cao tấn công các cơ sở công nghiệp quân sự và căn cứ không quân của Ukraine. Bộ này nêu rõ: “Tất cả các cuộc tấn công đều trúng đích, các mục tiêu đã bị hạ”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Báo Nga nhận định về hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ
Báo Nga nhận định về hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ sẽ tập trung vào cuộc đối đầu với Nga, xung đột ở Ukraine. Những người tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO cũng sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm sẽ bị lu mờ bởi hai sự kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN