Trong tuần cuối tháng 12/2022, cậu bé Debrath (11 tuổi) rời quê tại bang miền Đông Assam. Cậu lên tàu hỏa và đến nhà ga ở thủ đô New Delhi.
Từ khi 10 tuổi, cha Debrath đã bắt cậu bé phải đi lao động. Debrath cho biết cậu thường phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày dọn dẹp tại một khách sạn ở Assam. Để thoát khỏi công việc mệt mỏi lương ít ỏi, Debrath quyết định bỏ nhà.
Cha cậu bé vừa qua đời do bệnh tật còn mẹ của Debrath cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc cậu và em trai. Debrath đến thủ đô Ấn Độ mà không biết điều gì đang đợi cậu trước mắt. Debrath nói cậu không hạnh phúc khi ở nhà.
Debrath hiện sống tại một ngôi nhà tạm trú nhỏ, đổ nát và ồn ào gần nhà ga cùng với 30 đứa trẻ vô gia cư khác. Sau nhiều tuần xa nhà, Debrath lại muốn trở về.
Nhưng điều này đồng nghĩa với việc cậu sẽ phải chia tay với những người bạn trong nhà tạm trú. Một trong số đó là Shekhar (12 tuổi), đã bỏ nhà ở bang Uttar Pradesh cách đây nhiều năm do bị cha đánh đập hàng ngày.
Kênh DW (Đức) cho biết mỗi năm có hàng nghìn trẻ em trên khắp Ấn Độ bỏ nhà ra đi, đến các ga tàu hỏa. Theo dữ liệu của tổ chức quốc tế Railway Children, cứ 8 phút có một trẻ em mất tích tại Ấn Độ.
Một số em như Debrath và Shekhar được các tổ chức phi chính phủ giải cứu, trong đó có Salaam Baalak Trust. Cô Meena Kumari tại Salaam Baalak Trust cho biết sau khi phát hiện các em nhỏ vô gia cư tại ga tàu, họ sẽ cho các em thực phẩm và quần áo, sau đó hỏi các em về gia đình.
Tuy nhiên, phải mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần để những em nhỏ này chia sẻ thông tin. Một số em còn không nhớ địa chỉ và số điện thoại nhà, gây khó khăn cho việc tìm gia đình của các em.
Ngoài ra, trong vòng 24 giờ khi bắt đầu trông nom các em, cần phải thực hiện rất nhiều việc giấy tờ, tư vấn, trình diện cảnh sát và ủy ban phúc lợi trẻ em.
Bác sĩ tâm thần học Mohammad Tanveer tại Salaam Baalak Trust cho biết: “Phần lớn những đứa trẻ này đã trải qua tình trạng bị lạm dụng thể chất và tinh thần.
Khoảng 90% trong số này có triệu chứng trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Chúng tôi cố gắng thực hiện các buổi tư vấn và trị liệu này để đưa các em trở lại đúng hướng”.
Sau khi tư vấn, Salaam Baalak Trust bắt đầu quá trình liên hệ với gia đình của các em thông qua ủy ban phúc lợi trẻ em.
Khi nhóm liên lạc được với mẹ của Debrath tại Assam, bà nói không muốn con trai trở về nhà. Bà nói chuyện điện thoại với Debrath và bảo cậu bé rằng bà không có tiền đến Delhi để đưa cậu trở về. Do đó, bà đề nghị Debrath ở lại căn nhà tạm trú ở thủ đô cùng hàng nghìn đứa trẻ cùng cảnh ngộ khác.