Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy cải tổ ngành giáo dục được quản lý chặt chẽ của nước này nhằm cho phép sinh viên Ấn Độ có được bằng cấp nước ngoài với chi phí hợp lý và biến Ấn Độ trở thành điểm đến du học hấp dẫn toàn cầu.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin Ủy ban Tài trợ khối Đại học (UGC) Ấn Độ vào ngày 5/1 đã công bố một dự thảo luật để lấy ý kiến phản hồi của công chúng nhằm tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc lần đầu tiên các trường đại học nước ngoài gia nhập và hoạt động tại Ấn Độ.
Theo dự thảo, cơ sở trường đại học này có thể quyết định các tiêu chí nhập học cho sinh viên trong nước và nước ngoài cũng như cơ cấu học phí, học bổng. Các cơ sở sẽ có quyền tự chủ tuyển dụng giảng viên và nhân viên.
Động thái này được đánh giá sẽ giúp các trường đại học nước ngoài khai thác dân số trẻ dồi dào của Ấn Độ. Tờ Times of India vào tháng 12/2024 đưa tin Ấn Độ là quốc gia trẻ nhất thế giới. Báo cáo Thanh niên ở Ấn Độ năm 2022 cho thấy 53% dân số dưới 29 tuổi. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc gần đây đánh giá rằng trong năm 2023, Ấn Độ sẽ chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngay cả khi đã đào tạo ra nhiều lãnh đạo điều hành tại các doanh nghiệp lớn trên thế giới, từ Microsoft đến Alphabet, các trường đại học và cao đẳng của Ấn Độ vẫn có thứ hạng khá khiêm tốn trên bảng xếp hạng toàn cầu. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), trên 750.000 sinh viên Ấn Độ đang chi hàng tỷ USD mỗi năm khi du học ở nước ngoài.
Ấn Độ cần thúc đẩy ngành giáo dục trở nên cạnh tranh hơn và thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa chương trình giảng dạy đại học và nhu cầu thị trường. Ấn Độ hiện được xếp hạng 101 trong số 133 quốc gia trong Chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu năm 2022, chỉ số này đo lường khả năng phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài của một quốc gia.
Một số trường đại học nước ngoài đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường của Ấn Độ, cho phép sinh viên học một phần ở Ấn Độ và hoàn thành bằng cấp của họ tại cơ sở chính ở nước ngoài. Động thái mới của UGC sẽ khuyến khích các trường đại học ở nước ngoài này thành lập các cơ sở tại Ấn Độ không cần có đối tác địa phương. Dự thảo cuối cùng của UGC sẽ được trình lên quốc hội Ấn Độ để phê duyệt trước khi trở thành luật.