Ít nhất 93 người Palestine chết và hàng chục người bị thương trong một cuộc không kích của Israel vào tòa nhà chung cư ở thị trấn Beit Lahiya, phía Bắc Gaza ngày 29/10.
Nhiều nạn nhân vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hãng thông tấn chính thức của Palestine WAFA và truyền thông của Hamas trước đó cũng đã thông báo các con số tương tự. Nhiều người thiệt mạng trong vụ không kích là phụ nữ và trẻ em.
Video hiện trường vụ Israel không kích vào tòa nhà ở Gaza làm 93 người chết (Nguồn: Reuters):
Đây là một trong những cuộc không kích gây thiệt hại lớn nhất trong chiến dịch ném bom gần đây của Israel ở miền Bắc Gaza và đã bị các tổ chức nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ lên án.
Vào ngày 28/10, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Dân sự Palestine cho biết khoảng 100.000 người đang mắc kẹt tại Jabalia, Beit Lahiya và Beit Hanoun mà không có nguồn cung cấp y tế hoặc lương thực.
Cơ quan này nói rằng các hoạt động của họ đã bị đình chỉ do cuộc tấn công kéo dài ba tuần của Israel vào miền Bắc Gaza.
Về phần mình, quân đội Israel cho biết đang tìm cách lý giải tại sao có quá nhiều người ở Beit Lahiya vào thời điểm xảy ra cuộc không kích nói trên.
Ông David Avraham, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), nói rằng dân thường đã được lệnh sơ tán từ vài tuần trước. Ông Avraham cho biết lực lượng Israel đang tấn công một nghi phạm khủng bố mà họ phát hiện trong khu vực và không có ý định làm sập tòa nhà. Ông nói thêm rằng quân đội đang điều tra sự việc đã xảy ra.
Trong một cuộc họp báo tuần trước, Chuẩn tướng Elad Goren, chỉ huy các nỗ lực dân sự - nhân đạo của IDF tại Gaza, khẳng định không có người ở Beit Lahiya.
Người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc Jeremy Laurence cho biết Liên hợp quốc kinh hoàng trước vụ không kích này, gọi đây là một trong những cuộc tấn công gây chết nhiều người nhất ở Gaza trong gần ba tháng qua. Về việc Israel cam kết điều tra vụ việc, Liên hợp quốc nhấn mạnh cần điều tra nhanh chóng, minh bạch và chi tiết về hoàn cảnh và trách nhiệm liên quan đến vụ không kích này.
Trong khi đó, dư luận cũng chỉ trích Israel vì đã cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Ngày 29/10, UNRWA đã ra tuyên bố chỉ trích Israel cấm cơ quan này hoạt động trên lãnh thổ Israel và khu vực Đông Jerusalem.
Tuyên bố dẫn lời người phát ngôn UNRWA Juliette Touma nhấn mạnh, Israel là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc lại đang cố gắng giải tán một cơ quan của Liên hợp quốc, vốn đóng vai trò quan trọng nhất và tích cực nhất trong hoạt động nhân đạo ở Gaza. Bà Juliette Touma nhấn mạnh nếu quyết định này được thực hiện sẽ là thảm họa, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nhân đạo ở Gaza và một số khu vực thuộc Bờ Tây.
Cố vấn truyền thông UNRWA Adnan Abu Hasna tuyên bố quyết định của Israel cấm cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc hoạt động trên lãnh thổ Israel đồng nghĩa với sự sụp đổ của toàn bộ tiến trình nhân đạo.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định việc thực hiện luật cấm hoạt động tại Israel có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho người tị nạn Palestine tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và điều này là không thể chấp nhận. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh không có giải pháp thay thế nào cho UNRWA và việc thực hiện các luật này sẽ gây bất lợi cho việc giải quyết xung đột Israel - Palestine và cho hòa bình và an ninh trong toàn bộ khu vực. Ông Guterres cho biết ông sẽ đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên.
Cùng ngày, cả Mỹ và Anh đều bày tỏ quan ngại và phản đối việc Quốc hội Israel xem xét thông qua dự luật cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ Israel và khu vực Đông Jerusalem. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã nhắc lại vai trò quan trọng của UNRWA trong việc phân phối viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định luật cấm hoạt động đối với UNRWA là sai lầm.
Về phần mình, phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza cũng ra tuyên bố cho rằng quyết định của Quốc hội Israel là một phần của cuộc chiến tranh và hành động chống lại người dân Palestine.
Palestine cũng đã bác bỏ và lên án luật này, khẳng định hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và thách thức các nghị quyết của Liên hợp quốc ủng hộ tính hợp pháp quốc tế. Ông Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn chính thức của tổng thống Palestine, cho rằng quyết định này không chỉ chống lại người tị nạn mà còn chống lại Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã thành lập UNRWA.
Trước đó trong ngày 28/10, với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật trên sau nhiều năm chỉ trích UNRWA. Lập trường này của phía Israel trở nên quyết liệt hơn kể từ khi bùng phát cuộc xung đột ở Dải Gaza sau ngày 7/10/2023. Lệnh cấm có hiệu lực sau 90 ngày sẽ ngăn chặn UNRWA hoạt động tại Israel và cũng nhắm vào các hoạt động của tổ chức này tại Đông Jerusalem, nơi hiện đang cung cấp một số dịch vụ thiết yếu như vệ sinh, giáo dục và chăm sóc sức khỏe tại một số khu phố nhất định.
Điều đáng lo ngại là các nhân viên của UNRWA tại Bờ Tây có khả năng gặp phải các vấn đề về di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cũng như tiếp cận Đông Jerusalem hoặc Israel, vì họ sẽ mất khả năng phối hợp với chính quyền Israel để vượt qua các trạm kiểm soát. Các loại thị thực và giấy phép do chính quyền Israel cấp cũng bị hạn chế theo lệnh cấm này.
Trước đó, UNRWA và các cơ quan nhân đạo khác đã cáo buộc chính quyền Israel hạn chế dòng viện trợ vào Gaza, nơi hiện gần như toàn bộ 2,4 triệu người dân của vùng lãnh thổ này đã phải di dời ít nhất một lần trong xung đột.