Toàn cảnh phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan nhân dịp tròn 3 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Thanh Tuấn - PV TTXVN tại Mỹ
Một chương mới trong quan hệ quốc tế đã mở ra khi Mỹ bất ngờ đứng về phía Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề Ukraine ngày 24/2 (giờ Mỹ), đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách ngoại giao dưới thời Tổng thống Donald Trump và làm sâu sắc thêm rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Sự đảo ngược chính sách bất ngờ
Trong động thái gây sốc, Mỹ đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết do Ukraine và các nước châu Âu đề xuất, vốn chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và yêu cầu rút quân ngay lập tức. Điều này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 3 năm nổ ra cuộc chiến giữa Moskva và Kiev, đồng thời phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong lập trường của Washington.
Cuộc bỏ phiếu này đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn so với chính sách trước đây của Mỹ, khi nước này thường đứng cùng các đồng minh châu Âu trong việc phản đối các hành động của Nga. Bất đồng này càng trở nên rõ rệt khi Tổng thống Trump đang tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Washington D.C., cho thấy sự chia rẽ ngay cả khi các nhà lãnh đạo đang tìm cách hàn gắn quan hệ.
Tại Đại hội đồng LHQ, cuộc bỏ phiếu diễn ra với các nghị quyết khác nhau, phản ánh ba cách tiếp cận riêng biệt đối với cuộc xung đột:
Nghị quyết đầu tiên, do Ukraine đề xuất và được châu Âu hậu thuẫn, đã được thông qua với 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống (bao gồm Mỹ và Nga) và 65 phiếu trắng. Văn bản này phản đối "cuộc tấn công của Liên bang Nga" và kêu gọi Moskva "ngay lập tức và vô điều kiện rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận".
Đáng chú ý, con số 93 quốc gia ủng hộ nghị quyết này giảm đáng kể so với các cuộc bỏ phiếu trước đây, khi hơn 140 quốc gia từng phản đối hành động quân sự của Nga - một dấu hiệu cho thấy sự mệt mỏi về cuộc chiến đang lan rộng.
Nghị quyết thứ hai, do Mỹ soạn thảo, ban đầu không đề cập đến hành động của Nga mà chỉ "kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và hối thúc một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga". Tuy nhiên, sau khi Pháp đề xuất sửa đổi để nêu rõ Nga là bên tấn công, Mỹ đã không bỏ phiếu cho chính nghị quyết của mình.
Nghị quyết này cuối cùng được thông qua với tỷ lệ 93/8 và 73 phiếu trắng, với Ukraine bỏ phiếu "có", Mỹ bỏ phiếu trắng và Nga bỏ phiếu "không".
Căng thẳng tại Hội đồng Bảo an
Tại Hội đồng Bảo an, nơi nghị quyết có tính ràng buộc về mặt pháp lý, Mỹ đã thúc đẩy dự thảo ban đầu của mình, tránh chỉ trích Nga. Cuộc bỏ phiếu kết thúc với 10 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 5 phiếu trắng (gồm các quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia).
Theo hãng thông tấn TASS (Nga), 10 thành viên của Hội đồng Bảo an, bao gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc, đã bỏ phiếu ủng hộ văn kiện này, trong khi 5 quốc gia, bao gồm Anh và Pháp, đã bỏ phiếu trắng. Để thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, cần có tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu phủ quyết của các thành viên thường trực, tức là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Đại biện lâm thời Mỹ Dorothy Shea gọi việc thông qua nghị quyết là bước đi "đầu tiên nhưng rất quan trọng" trên "con đường hòa bình". Về phần mình, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã khen ngợi nghị quyết ngắn gọn của Mỹ, gọi đó là "một sáng kiến hợp lý, là một bước đi đúng hướng".
Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu đã không giấu giếm sự không hài lòng với lập trường mới của Mỹ. Đại sứ Anh Barbara Woodward nhấn mạnh: "Chỉ có nền hòa bình công bằng, một nền hòa bình tôn trọng các điều khoản trong hiến chương của chúng ta, mới có thể tồn tại lâu dài", đồng thời khẳng định: "Cuộc chiến này kết thúc như thế nào, bằng cách nào và bằng những điều khoản nào chỉ có thể được quyết định thông qua đàm phán với Ukraine. Không có hòa bình nào có thể bền vững nếu không có sự đồng ý của Ukraine".
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ở mức độ căng thẳng chưa từng có. Tổng thống Trump đã có những phát ngôn gay gắt, chỉ trích Ukraine không tổ chức bầu cử trong thời chiến, thậm chí còn cáo buộc Kiev là "bên khởi xướng cuộc chiến". Đáp lại, Tổng thống Zelensky cho rằng ông Trump đang sống trong "không gian thông tin sai lệch do Nga tạo ra".
Quyết định của chính quyền Trump mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga về việc chấm dứt xung đột, loại bỏ Ukraine và các đồng minh châu Âu khỏi các cuộc đàm phán sơ bộ tuần trước, càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Động thái bất ngờ trên của Mỹ đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong cục diện chính trị quốc tế. Với các chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Anh Keir Starmer và các nhà lãnh đạo khác đến Washington D.C., cộng đồng quốc tế đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo trong chính sách của Mỹ đối với Ukraine và Nga.
Trong khi đó, những động thái tại LHQ - dù không có tính ràng buộc pháp lý - vẫn được coi là thước đo quan trọng của dư luận thế giới, đặc biệt khi cuộc chiến Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 4 mà chưa có dấu hiệu kết thúc.