“Những chú lính chì Việt Nam dũng cảm” ở xứ Phù Tang

Sau thảm họa động đất và sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản, nhiều người nước ngoài, trong đó có cả người Việt Nam, đã tìm mọi cách rời khỏi Nhật Bản hoặc di chuyển ra ngoài các khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, một số tu nghiệp sinh và sinh viên Việt Nam vẫn quyết tâm bám trụ để giúp những người bạn ở “Đất nước Mặt trời mọc” đứng lên từ đống hoang tàn, đổ nát.

“Chúng em là những thực tập sinh đang làm việc tại tỉnh Fukushima. Khi động đất và sóng thần xảy ra, nhà cửa và công ty chỗ chúng em đang làm đều hư hại nặng. Trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, công ty đã đưa chúng em đi lánh nạn hết nơi này đến nơi khác… Hiện nay, tất cả chúng em đều an toàn, khỏe mạnh và được công ty bố trí chỗ ở nên tinh thần của chúng em đã ổn định… Sự động viên tinh thần cũng như sự giúp đỡ của công ty trong thời gian qua đã khiến chúng em vô cùng cảm động… Chúng em thấy rằng trong lúc khó khăn như thế này, cần phải chung sức nỗ lực làm việc giúp đỡ công ty gây dựng lại, cùng đất nước Nhật Bản vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam và Nhật Bản nên chúng em đã quyết định tiếp tục ở lại làm việc”.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình (phải) chuyển lời cám ơn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hòa thượng Yoshimizu.


Tôi đã lặng đi, cố gắng kìm nén để không rơi nước mắt khi đọc lá thư gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản của 14 tu nghiệp sinh người Việt ở tỉnh Fukushima (đông bắc Nhật Bản), gồm 8 công nhân làm việc tại Nhà máy May Daiei Hosei và 6 công nhân làm việc tại Nhà máy May Kanyon.

Hai nhà máy trên nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3. Trong bối cảnh nhà máy bị tàn phá nặng nề, cộng với những thông tin dồn dập về sự cố ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1, các tu nghiệp sinh Việt Nam vô cùng hoang mang và lo sợ. Họ đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và các cơ quan chức năng để yêu cầu hỗ trợ về nước. Tuy nhiên, các tu nghiệp sinh Việt Nam đã thay đổi quyết định sau cuộc gặp Giám đốc Nhà máy Daiei Hosei hôm 17/3. Bạn Nguyễn Thị Ngọc Lan, quê ở Huế, đang làm việc tại Daiei Hosei, kể: Khi gặp các tu nghiệp sinh Việt Nam, vị giám đốc trẻ vừa khóc, vừa nói: “Nếu các bạn muốn về nước, tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các bạn thực hiện mong muốn đó. Tuy nhiên, tôi đã quyết tâm gây dựng lại công ty từ đống đổ nát hiện nay. Nếu các bạn về nước hết, tôi biết dựa vào ai?”. Rồi Lan và các bạn nhớ lại những gì mà vị giám đốc và gia đình đã dành cho họ trong những ngày khốn khó vừa qua. “Sau trận động đất, nhà máy bị sập. Chúng em cùng gia đình ông chủ đã di chuyển tới nhiều nơi để lánh nạn. Mẹ của ông chủ thương chúng em như con, trong khi ông chủ thì nhường chỗ ngủ cho tụi em và lo lắng cho chúng em từ bữa ăn cho đến giấc ngủ”.

Xúc động trước tình cảm chân thành của gia đình ông chủ, 14 tu nghiệp sinh Việt Nam đã quyết định ở lại Fukushima để cùng ông chủ khôi phục lại công ty.

Cũng trong lá thư gửi qua Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các tu nghiệp sinh đã gửi gắm đôi lời tới những người thân ở quê nhà, vừa để gia đình yên tâm, vừa để mọi người hiểu hơn về tình người ở nơi vừa hứng chịu cơn thịnh nộ từ lòng đất. Tu nghiệp sinh Nguyễn Thị Ngọc Lê, quê ở tỉnh Tây Ninh, làm việc tại Daiei Hosei, viết: “Ba mẹ, con vẫn khỏe. Cả nhà đừng lo cho con. Bây giờ con không thể về được vì công ty con đang gặp khó khăn, con phải ở lại để giúp công ty vượt qua khó khăn này”. Khi trò chuyện với tôi qua điện thoại, Lê nghẹn ngào tâm sự: “Chúng em thật sự xúc động trước sự giúp đỡ chân thành và đầy tình cảm của vị giám đốc mới 31 tuổi. Mặc dù rất lo lắng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở Fukushima 1 nhưng chúng em không nỡ “dứt áo ra đi”.

Trong dòng tin nhắn gửi tới mẹ, một tu nghiệp sinh khác viết: “Mẹ ơi, đừng lo cho con. Con không sao đâu. Con sẽ cố gắng giúp mẹ lo cho nhà mình… Và con cũng muốn ở lại giúp ông chủ. Trong thời gian tụi con gặp nguy hiểm, ông chủ đã đối xử rất tốt, quan tâm và lo lắng cho tụi con rất nhiều”.

Tấm lòng bạn bè Nhật

Trong lúc hàng trăm ngàn người sống sót sau thảm họa phải vật lộn với vô vàn khó khăn như không có nhà cửa, không điện, không nước, thiếu lương thực và nước uống, nhiều người dân Nhật Bản vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người nước ngoài, trong đó có các sinh viên và tu nghiệp sinh Việt Nam cùng cảnh ngộ. Đó là các thầy cô giáo ở thành phố Morioka, tỉnh Iwate đã kịp thời động viên tinh thần và tận tình hướng dẫn các sinh viên Việt Nam cách đối phó với những khó khăn sau thảm họa. Đó là các sinh viên Nhật Bản tại Đại học Tohoku đã giúp các bạn Việt Nam sơ tán đến nơi an toàn. Đó là các nhân viên quản lý tại Nhà máy Sanshi Kijouku ở làng Hirata thuộc tỉnh Fukushima sẵn sàng hỗ trợ các tu nghiệp sinh Việt Nam có nguyện vọng về nước. Và đó là Hòa thượng Daichi Yoshimizu trụ trì Chùa Nissin Kotsu ở thủ đô Tôkyô. Khi biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa các sinh viên và thực tập sinh Việt Nam từ các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate sơ tán an toàn về Tôkyô, Hòa thượng Yoshimizu đã mời họ về tạm trú tại chùa. Đó còn là ông Kunihiko Kitoh, đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt ở Nhật Bản - người đã mời các chuyên gia của công ty Fuji Denki tới kiểm tra an toàn phóng xạ cho các công dân Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình đã xúc động bày tỏ sự cảm ơn những tấm lòng nghĩa hiệp của Hòa thượng Yoshimizu và ông Kitoh cũng như các bạn bè Nhật khác đã giúp các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh nước Nhật vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thảm họa động đất và sóng thần. Đại sứ cũng đã chuyển lời cám ơn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hòa thượng Yoshimizu.

Những sự cố liên tiếp tại Fukushima 1 đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ rò rỉ hạt nhân, khiến người thân của tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản rất lo lắng và đã thúc giục con em mình về nước. Gia đình của tu nghiệp sinh Phùng Thị Lài, quê ở Củ Chi, là một trong số đó. Tuy nhiên, trong thư gửi gia đình, Lài viết: “Con xin lỗi ba mẹ... Công ty đang cần con. Hãy mở ra cho người khác một cơ hội cũng như mở cho mình một cơ hội. Con xin lỗi nhiều lắm. Đừng giận con. Con sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe và làm việc thật tốt”.

Không riêng các tu nghiệp sinh, nhiều sinh viên Việt Nam cũng vẫn đang bám trụ ở vùng Tohoku để giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả thiên tai. Một thành viên nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản được cử tới thành phố Morioka, tỉnh Iwate hôm 15/3 để hỗ trợ sơ tán người Việt ra khỏi các khu vực nguy hiểm, kể: “Trước khi lên đường, chúng tôi nhận được thông tin ở Morioka có hơn 60 người đăng ký di chuyển về Tôkyô. Khi chúng tôi đến nơi, nhiều em đã thay đổi ý định và quyết tâm ở lại. Một số em khác được các thầy, cô giáo trong trường tiễn ra tận xe ô tô, cũng thay đổi ý định cho dù đã yên vị trên xe, bởi vì các em thực sự xúc động trước tình cảm của các thầy, cô giáo và muốn ở lại để cùng các thầy cô tái thiết đất nước Nhật Bản”.

Cũng vừa trải qua những thời khắc kinh hoàng trong thảm họa động đất và sóng thần, tôi thực sự cảm phục những con người Việt Nam này. Các bạn chính là “những chú lính chì Việt Nam dũng cảm” ở xứ Phù Tang.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Đại sứ Nguyễn Phú Bình (phải) chuyển lời cám ơn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Hòa thượng Yoshimizu.

Trận động đất “thiên niên kỷ” ở Nhật Bản
Trận động đất “thiên niên kỷ” ở Nhật Bản

Ngày 11/3/2011, Nhật Bản và cả thế giới bị chấn động bởi một thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp, một sức mạnh hủy diệt khó có thể hình dung được. Động đất 9 độ Richter, sóng thần cao tới 10 mét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN