Trận động đất “thiên niên kỷ” ở Nhật Bản

Ngày 11/3/2011, Nhật Bản và cả thế giới bị chấn động bởi một thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp, một sức mạnh hủy diệt khó có thể hình dung được. Động đất 9 độ Richter, sóng thần cao tới 10 mét. Chỉ trong phút chốc, mọi thứ dường như tan biến trước sự hung hãn của động đất và sóng thần. Nhà cửa, tàu thuyền, làng mạc, cầu cảng, ruộng vườn, xe cộ… rung chuyển rồi bị con nước cuồn cuộn tung hứng như những món đồ chơi. Dù khủng khiếp như vậy, nhưng thiên nhiên dường như vẫn phải khuất phục trước một sức mạnh vô hình. Đó là tinh thần, sức chịu đựng kiên cường, bình tĩnh của người dân Nhật Bản. Cả thế giới hướng về Nhật Bản, chia sẻ với đất nước từng phải trải qua nhiều tang thương và thêm nể phục tinh thần, sức mạnh của con người nơi đây.

Toàn cảnh siêu động đất

Trận động đất được coi là 1.000 năm mới xảy ra một lần ở Nhật Bản đến nay chính thức đã khiến 3.100 người thiệt mạng trong khi đó con số thiệt hại vật chất tăng lên mỗi ngày.

Lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 phát nổ ngày 14/3.


Số người chết được dự báo có thể sẽ vượt quá con số 10.000. Tại các nơi sóng thần quét qua, người ta phát hiện ra hàng ngàn người chết đuối dạt vào đất liền. Ước tính, khoảng 550.000 người được di dời trên toàn quốc, trong khi đó 80.000 dân quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố cũng được sơ tán, hàng triệu dân phải sống trong cảnh cầm cự.

Động đất khiến Nhật Bản đứng trước nguy cơ một thảm họa hạt nhân khi đã có 3 vụ nổ tại các lò phản ứng thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Mức độ phóng xạ quanh khu vực nhà máy đã lên mức cao. Nguy cơ rò rỉ hạt nhân tăng dần. Người dân trong bán kính 20-30 km được yêu cầu ở trong nhà; còn dân sống trong bán kính 20 km đã được sơ tán. Đã có hàng chục người nhiễm phóng xạ, hàng trăm người bị phơi nhiễm. Chính quyền đã thiết lập vùng cấm xâm nhập 20 km quanh nhà máy Fukushima 1. Sự cố tại nhà máy Fukushima 1 khiến 3 triệu khách hàng không có điện sử dụng, trong đó có nhiều nhà máy lớn.

Nhiều làng mạc, thành phố bị động đất và sóng thần phá hủy hoàn toàn. Nhiều sân bay, cảng biển phải đóng cửa, trong khi các hoạt động giao thông tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất cũng bị đình trệ, đặc biệt là tại các hãng sản xuất ô tô lớn như Toyota, Nissan.

Nhật Bản đã phải thực hiện một chiến dịch cứu nạn, cứu trợ chưa từng có trong lịch sử, huy động 40% lực lượng vũ trang vào cuộc cùng với sự hỗ trợ của hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế.

Siêu động đất xảy ra như thế nào?

Theo các nhà khoa học Mỹ, chính sự dịch chuyển đột ngột của bình địa kiến tạo Thái Bình Dương bên dưới bình địa Bắc Mỹ đã gây nên trận siêu động đất và sóng thần này. Tại khu vực rãnh Nhật Bản, bình địa Thái Bình Dương thường di chuyển về phía tây khoảng hơn 8 cm mỗi năm và hai bình địa này thường gắn với nhau. Nhưng do đứt đoạn bất ngờ và mạnh, bình địa Thái Bình Dương đột ngột di chuyển dữ dội và bị chèn ép phía dưới bình địa Bắc Mỹ nên đã đẩy bình địa Bắc Mỹ tiến lên.

Trong quá trình bình địa Bắc Mỹ dịch lên trên, nó đã giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ và chiếm chỗ của một lượng lớn nước biển, khiến nước biển dâng lên dữ dội, gây ra sóng thần. Ở sâu dưới đáy đại dương, những con sóng được tạo ra không cao nhưng bước sóng rất dài và có thể di chuyển với tốc độ 800 km/giờ. Khi sóng thần tiến gần đất liền, tầng nước thấp hơn làm cho sóng cao dần lên rồi đổ ập vào bờ dưới sự “hậu thuẫn” của rất nhiều nước và năng lượng. Bức tường sóng khổng lồ cao tới 10 mét tấn công bờ biển Nhật Bản. Cảnh báo sóng thần được đưa ra đến tận bờ biển phía tây của Mỹ và Nam Mỹ.

Theo nhà địa chất Ross Stein thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), siêu động đất này mạnh tới mức nó đã làm dịch chuyển đường bờ biển Nhật Bản 2,4 mét, khiến nước này rộng hơn một chút, tiến gần Mỹ hơn và làm thay đổi trục cân bằng của Trái Đất.

Trong khi đó, các nhà khoa học NASA tính toán rằng, sự dịch chuyển đó đã làm cho ngày ngắn lại 1,8 micro giây và làm trục Trái Đất lệch thêm 25 cm. Trước đó, trận động đất ở Chilê năm 2010 cũng làm ngày ngắn đi 1,26 micro giây, còn trận động đất ở ngoài khơi Sumatra (Inđônêxia) năm 2004 làm ngày ngắn đi 6,8 micro giây. Theo ông Ross, điều này cũng là bình thường và dù không có động đất nó vẫn diễn ra trên Trái Đất. Nhưng điều gây sốc nhất là trong suốt 300 năm qua, chưa có trận động đất nào lớn hơn 8 độ Richter xảy ra ở Nhật Bản. Trong khi đó, bà Satoko Oki thuộc Viện nghiên cứu động đất Tôkyô cho rằng, trận động đất mạnh cỡ này chỉ xảy ra một lần trong 1.000 năm.

Theo ước tính, trận động đất lớn thứ 5 thế giới này đã gây ra một đường đứt gãy dài vài trăm km trên một khu vực dài 288 km, rộng 80 km ở vỏ Trái Đất. Các chuyên gia về động đất thuộc Viện đại dương học Woods Hole (WHOI) ở bang Massachusetts (Mỹ), cho rằng thế giới nên rút ra các bài học từ trận động đất này, đặc biệt là những nước nằm dọc theo các vết đứt gãy tương tự.

Theo Tiến sĩ Jeff McGuire, một nhà địa vật lý và địa chấn học động đất thuộc WHOI, những người sống dọc bờ biển phía tây Bắc Mỹ, đặc biệt là bang California, Oregon, Washington ở Mỹ và Vancouver ở Canađa, nên chuẩn bị sẵn sàng cho một trận động đất/sóng thần có sức tàn phá tương tự. Những khu vực này nằm dọc ranh giới của tầng bình địa kiến tạo Bắc Mỹ, đặc biệt là nơi bình địa Bắc Mỹ gặp bình địa Juan de Fuca. Trong khi đó, Nhật Bản nằm gần ranh giới các bình địa Âu Á, Thái Bình Dương, Philíppin và Bắc Mỹ.

“Điều xấu nhất xảy ra vào thời điểm xấu nhất”

Đó là nhận định của nhà kinh tế học Nouriel Roubini, người đã dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, về thảm họa thiên nhiên vừa giáng xuống đầu cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Nhận định được ông đưa ra khi phát biểu trên chương trình Countdown của đài Bloomberg. Điều xấu nhất là thảm họa động đất gây sóng thần, rò rỉ hạt nhân. Thời điểm xấu nhất là lúc Nhật Bản đang gồng mình giảm thâm hụt ngân sách tương đương gần 10% GDP – cao nhất trong các nước phát triển - trong bối cảnh dân số già nua, là lúc nền kinh tế để mất vị trí siêu cường số 2 vào tay Trung Quốc, là lúc ngành kinh tế phụ thuộc xuất khẩu bị tác động nghiêm trọng bởi khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu và đồng yên tăng giá mạnh.

Sóng thần tràn vào Sendai, Nhật Bản ngày 11/3.


Đến thời điểm này, vẫn chưa thể có con số ước tính thiệt hại cuối cùng nhưng hãng tin CNN của Mỹ cho rằng đây có thể là một trong những thảm họa gây thiệt hại kinh tế lớn nhất thế giới, có lẽ sẽ chỉ xếp sau cơn bão Katrina xảy ra ở Mỹ năm 2005. Có nhiều con số ước tính thiệt hại khác nhau. Trong đó, công ty dự báo thiệt hại do thảm họa Equcat đưa ra con số ít nhất là 100 tỷ USD, công ty cùng lĩnh vực AIR Worldwide cho rằng thiệt hại của các nhà bảo hiểm sẽ khoảng 15 đến 35 tỷ USD. Đây là chi phí bỏ ra để bảo hiểm cho các tài sản bị phá hủy bởi động đất, chưa tính sóng thần và nổ tại nhà máy điện hạt nhân. Còn ngân hàng đầu tư Credit Suisse và Barclays ước tính thiệt hại khoảng 180 tỷ USD, tức 3% GDP của Nhật.

Trong khi đó, công ty Mitsubishi UFJ Securities ước tính thiệt hại có thể lên tới 5% GDP. Con số này được đưa ra sau khi tính đến cả những thiệt hại kinh tế trên diện rộng, như mất nguồn thu thuế, phải trợ cấp cho nhiều ngành nghề trong khu vực bị ảnh hưởng, mất khả năng sản xuất do mất điện…

Khi phải bỏ tiền để tái thiết cơ sở hạ tầng, vật chất bị phá hủy, Nhật Bản phải tính đến cả việc thay thế nhà máy điện hạt nhân. Ước tính sơ bộ, mỗi nhà máy có thể tốn tới 5 tỷ USD để xây dựng trong khi Nhật Bản đã phải hi sinh ba lò phản ứng hạt nhân do phải bơm nước biển vào để làm mát.

Thế giới khâm phục người Nhật

Bất chấp những cảnh tượng kinh hoàng tưởng chỉ có trong phim của Hollywood, người dân Nhật Bản vẫn đứng dậy một cách anh hùng và bình tĩnh lạ kỳ. Họ bình tĩnh tìm kiếm người thân yêu hoặc chờ đợi hàng cứu trợ. Không có dấu hiệu cướp phá, bạo lực. Người dân kiên nhẫn chờ đến lượt mình mua xăng hay mua hàng trong những siêu thị không còn nhiều hàng hóa. Nhiều người đã ví người Nhật có khả năng chịu đựng trong nghịch cảnh và tự hỏi nếu xảy ra thảm họa tương tự, các quốc gia khác có thể kiên cường như vậy không?

Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye nhận định, thảm họa có thể giúp Nhật Bản được lợi từ “quyền lực mềm”. Ông phát biểu với phóng viên AFP: “Dù bi kịch là rất lớn, nhưng sự kiện này cũng cho thấy một số phẩm chất đẹp của người Nhật Bản và có thể giúp tăng quyền lực mềm của họ”. Đó là một xã hội ổn định, có cách ứng xử tuyệt vời, phản ứng với thảm họa bình tĩnh, trật tự.

Quốc gia nào trong cơn hoạn nạn cũng được nhận sự cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng thế giới nhưng trong hoạn nạn, không phải quốc gia nào cũng tăng được uy tín của mình. Nhật Bản đã được thế giới ngả mũ kính phục. Cơn hoạn nạn đã đưa cả xã hội xích lại gần nhau. Các quan chức chính phủ căng mình điều phối phản ứng với thảm họa, các đội cứu hộ miệt mài làm việc không mệt mỏi tìm kiếm người còn sống sót, còn các chuyên gia kỹ thuật chạy đua cùng thời gian ngăn chặn thảm họa rò rỉ hạt nhân.

Các cách giúp đỡ người Nhật Bản trong thảm họa

1. Đóng góp tiền thông qua Hội chữ thập đỏ Nhật Bản bằng cách trực tuyến hoặc nhắn tin REDCROSS gửi đến 90999 để góp 10 USD.
2. Hiến máu thông qua Hội chữ thập đỏ Nhật Bản
3. Giảm sử dụng điện
4. Tham gia công tác tìm kiếm người mất tích
5. Nếu không ở Nhật Bản, bạn có thể góp tiền qua các tổ chức trong nước hoặc nhiều tổ chức quốc tế như World Vision, Save the Children, Shelterbox.org…



Thùy Dương (tổng hợp)

5 trận động đất lớn nhất thế giới tính từ năm 1900
5 trận động đất lớn nhất thế giới tính từ năm 1900

5 trận động đất lớn nhất thế giới tính từ năm 1900 (theo USGS và xếp theo thời gian)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN