Chỉ trong trong vòng vài giờ, Gerel và cha mẹ cô đều bắt đầu cảm thấy khó thở và buồn nôn. Họ tuyệt vọng kêu cứu, nhưng lúc các nhân viên y tế đến nơi thì Gerel, khi đó đang mang thai 4 tháng, đã tử vong.
Tối hôm đó, cha mẹ cô gái 29 tuổi xấu số đã lần đầu tiên sử dụng than bánh không khói để sưởi ấm ngôi nhà của họ. Đó là một loại nhiên liệu do chính phủ cấp, được làm từ than cốc khai thác ở phía Nam Gobi và bột than. Do tính chất không gây khói, đây được coi là thứ nhiên liệu “sạch" hơn các loại nhiên liệu cũ. Nhưng trên thực tế nó đã gây ra những vấn đề về sức khỏe, thậm chí khiến người sử dụng tử vong nếu dùng không đúng cách.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, kể từ khi người dân Mông Cổ bắt đầu sử dụng than bánh không khói vào tháng 10, đã có bảy trường hợp tử vong - chủ yếu là trẻ em, phụ nữ mang thai và người già. Gần 1.000 người sống trong các khu ổ chuột ở ngoại ô Ulan Bator phải nhập viện, dấy lên những lo ngại về tình trạng ngộ độc khí carbon monoxide khi sử dụng loại chất đốt mới.
Người mẹ đau buồn của Gerel, bà Jargalsaikhan Mishigdorj cảnh báo nên cẩn thận với loại nhiên liệu mới. “Tôi đã đốt than cả đời, chúng tôi chưa bao giờ bị ngạt thở”, bà nói.
Chính phủ Mông Cổ đã tìm cách đối phó với tình trạng khói bụi nguy hiểm ở Ulan Bator - một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới - bằng cách cung cấp những nhiên liệu thay thế cho than thô, vốn tạo ra khói mù mịt. Loại than khói này thường được người nghèo sử dụng để sưởi ấm nhà tại một miền đất mà nhiệt độ có thể giảm xuống - 40C. Các quan chức Mông Cổ giải thích rằng than bánh cháy được lâu hơn và bốc ít khói hơn.
Một y tá tại Bệnh viện Cấp cứu Nhiễm độc quốc gia giấu tên cho biết cô chưa bao giờ thấy số lượng bệnh nhân ngộ độc carbon monoxide (hay khí CO) cao như vậy. “Chúng tôi đang làm việc dưới một áp lực rất lớn", cô nói.
Tuy nhiên, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp của Ulan Bator cho biết các vấn đề lo ngại đang giảm xuống khi người dân được phổ biến cách sử dụng đúng loại than bánh mới. “Nhân viên cộng đồng đã tỏa ra khắp các quận để hướng dẫn người dân về chất đốt mới".
Đây là nỗ lực mới nhất của một chính phủ ở châu Á nhằm tìm giải pháp an toàn và hiệu quả để thay thế than đá. Châu Á là khu vực đau đầu nhất khi đối phó với nồng độ ô nhiễm không khí cao, mà phần lớn nguyên nhân là do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cam kết cung cấp khí đốt nấu ăn cho hàng triệu người dân nông thôn, nhưng dự án này cuối cùng bị trì hoãn do các bê bối tham nhũng liên quan. Còn tại Trung Quốc, 3 triệu ngôi nhà gần Bắc Kinh đã được yêu cầu phải chuyển từ than đá sang khí đốt hoặc điện để sưởi ấm từ năm 2017.
Ulan Bator là thủ đô lạnh giá nhất thế giới, với một nửa cư dân hiện sử dụng lò sưởi, trong khi chất lượng không khí trong thành phố lại thường xuyên vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì vậy chính quyền đang cố gắng giảm sử dụng than đá để giảm ô nhiễm không khí dày đặc bao phủ thủ đô.
Các chuyên gia cho rằng động thái nói trên đang có ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Sonomdgva, Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Mông Cổ cho biết, bụi mịn PM 2.5, với kích cỡ nhỏ có thể đi vào phổi và mạch máu, đã giảm 40% so với tháng 10 năm ngoái. “Một mùa thu ấm và kéo dài, việc sử dụng nhiên liệu mới, cũng như việc người dân chỉ sử dụng củi đốt vì sợ ngạt thở có thể là nguyên nhân giảm bụi”, ông Sonomdgva nói.
Byambajargal Losol, nhà vật lý học tại Viện Khoa học Mông Cổ, cho rằng than bánh không khói là cách tốt nhất để giảm ô nhiễm không khí, nhưng cần triển khai tốt hơn việc hướng dẫn người dân sử dụng an toàn.
“Người dân đang dùng than bánh giống như than thô và đốt chúng giống như trước đây. Than bánh nén đặc hơn vì vậy chúng đòi hỏi lượng oxy gấp đôi để đốt cháy so với than thô”, ông Losol giải thích. Ngộ độc khí CO xảy ra khi nồng độ oxy giảm xuống thấp.
Nhà máy quốc doanh của Mông Cổ nơi sản xuất than bánh không khói cho biết các gia đình cần dọn sạch lò sưởi trước khi đốt than mới. Nhà máy đã bắt đầu cung cấp dịch vụ sửa lò sưởi miễn phí sau khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc. Chính quyền cũng cam kết sẽ phát máy đo khói miễn phí cho các cộng đồng cư dân sống trong lều truyền thống của người du mục.
Trong khi nhiều cư dân nhận thấy lợi ích của than bánh không khói thì nhiều người vẫn e ngại. Anh Turbold Sainbuyan cho biết: “Tôi đã bỏ than thô để dùng than bánh. Giờ chúng tôi chỉ dùng một túi than cho ba ngày so với một túi một ngày trước đây”. Còn mẹ của Turbold, bà Enkhjargal Chuluun, một y tá nha khoa, thì cho biết: "Than bánh nóng hơn than thô. Nhưng chúng tôi vẫn sợ bị ngạt thở, vì thế tôi phải mở cửa sổ vào ban đêm".