Ông Shelicsh chỉ ra rằng đa số nạn nhân trong vụ khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall không thiệt mạng vì súng đạn, mà vì các vật liệu cháy và các yếu tố khác của đám cháy. Theo ông, cần xem xét 3 vấn đề.
Thứ nhất là hồ sơ thiết kế trong quá trình xây dựng tòa nhà, mua và lắp đặt thiết bị, bao gồm cả thiết bị chữa cháy hoặc trong quá trình vận hành, ví dụ như thay thế vật liệu, sản phẩm và thiết bị bằng loại rẻ hơn và độ an toàn kém hơn, tình trạng các thiết bị chữa cháy không hoạt động, các lối thoát hiểm bị đóng. Trách nhiệm chính cho việc này thuộc về chủ đầu tư, có thể cố ý hoặc do sơ suất đã không đảm bảo thực hiện đúng dự án đã được phê duyệt, hoặc về bên bảo trì tòa nhà và thiết bị. Cũng cần kiểm tra trách nhiệm của cơ quan giám sát nhà nước.
Vấn đề thứ 2 là việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc về an toàn cháy nổ và an toàn của các tòa nhà và công trình. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan giám sát nhà nước đã phê duyệt dự án.
Vấn đề thứ ba là trong quy chuẩn kỹ thuật chưa đánh giá đúng các yếu tố nguy cơ thực sự đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và tài sản. Trong vụ tấn công khủng bố ngày 22/3, yếu tố đó là hệ thống phòng cháy, chữa cháy tự động đã không hoạt động.
Ngoài ra, ông Shelicsh lưu ý rằng Tổ chức Ý kiến Công chúng đã công bố dữ liệu từ cuộc khảo sát hằng tuần về phản ứng của người Nga sau vụ tấn công khủng bố tại Crocus City Hall, theo đó trong tuần qua, tỷ lệ những người giữ được tâm lý bình tĩnh giảm từ 58 xuống 51% và tỷ lệ những người lo lắng tăng từ 34 lên 42%. Do đó, ông Shelicsh khuyến nghị bảo đảm sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân và cộng đồng để ứng phó các tình huống khẩn cấp.