Nhờ xét nghiệm triệt để, thị trấn Italy khống chế số ca nhiễm virus mới về 0  

Thị trấn nhỏ mang tên Vò từng là tâm dịch của Italy đã chặn đứng thành công số ca nhiễm mới virus Corona bằng cách áp dụng mô hình xét nghiệm triệt để. 

Chú thích ảnh
Toàn bộ 3.300 cư dân tại Vò đã được xét nghiệm và tái xét nghiệm virus. Ảnh: AP

Tờ Financial Times đưa tin thông qua xét nghiệm và tái xét nghiệm nghiêm ngặt toàn bộ 3.300 dân cư thị trấn bất kể họ có phát triển triệu chứng mắc bệnh hay không, đồng thời cách ly nghiêm ngặt toàn bộ người tiếp xúc với bệnh nhân, cơ quan y tế địa phương đã có thể chặn đứng hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh tại đây. 

Ông Andrea Crisanti, chuyên gia tại Đại học Hoàng gia London đang tham gia chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra tại thị trấn Vò, đã thúc giục các quốc gia đang giới hạn việc xét nghiệm virus – trong đó có Anh và Mỹ - hãy học hỏi và đẩy mạnh hơn nữa xét nghiệm cho người dân. 

Giáo sư Crisanti nói: “Tại Anh, nhiều trường hợp mắc bệnh đã bị lờ di. Chúng tôi có thể kiểm soát dịch bệnh tại đây bởi vì chúng tôi xác định và loại trừ người nhiễm “ngầm” và cách ly họ. Đó chính là yếu tố làm nên sự khác biệt”. 

Xét nghiệm quyết liệt

Thành công của thị trấn Vò gần thành phố Venice này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra và cách ly những người ngầm mang mầm bệnh song vẫn khỏe mạnh – cách tiếp cận được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ mạnh mẽ.

Tuần qua, WHO kêu gọi tất cả các nước hãy triển khai xét nghiệm virus cho người dân triệt để. Tổ chức này nhấn mạnh rằng Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã đạt được thành công trong việc hạn chế lây nhiễm bằng biện pháp xét nghiệm quyết liệt. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 16/3 khẳng định: “Thông điệp chính của chúng tôi là: Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”. 

Giáo sư Crisanti cho biết kế hoạch xét nghiệm toàn dân tại Vò đã giúp giới nghiên cứu đạt được một “bức tranh dịch tễ” về COVID-19. Kế hoạch này được bắt đầu như một biện pháp dự phòng sau khi Italy ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 hôm 22/2. Hiện chưa rõ tại sao miền Bắc Italy lại chứng kiến lượng người mắc bệnh cao đột biến so với các khu vực khác của châu Âu. Tuy nhiên, Giáo sư Crisanti cùng nhiều chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân có thể là mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc.

 

Chú thích ảnh
Quảng trường Town Hall ở Rome được thắp sáng với màu quốc kỳ Italy để thể hiện tình đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Lượt xét nghiệm đầu tiên, được áp dụng với toàn bộ dân cư thị trấn hồi cuối tháng 2, phát hiện 3% dân số đã mắc bệnh, mặc dù một nửa người nhiễm virus không hề bộc lộ triệu chứng. Sau khi cách ly toàn bộ người nhiễm, lượt xét nghiệm thứ hai được triển khai sau đó khoảng 10 ngày cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đã giảm xuống còn 0,3%. 

Đáng chú ý, lượt xét nghiệm thứ hai xác định ít nhất 6 trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. “Nếu họ không bị phát hiện, tình trạng lây lan sẽ còn tiếp tục”, ông Andrea Crisanti giải thích. 
Thay vì xét nghiệm chặt chẽ trên diện rộng, nhiều quốc gia trong đó có Anh và Hà Lan lại theo đuổi chiến lược “miễn dịch cộng đồng”, tức là để nhiều người nhiễm virus hơn và trở nên miễn dịch với căn bệnh đó, như một biện pháp để tăng cường sức đề kháng trong cộng đồng. 

Miễn dịch cộng đồng

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Miễn dịch cộng đồng chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn cộng đồng ấy đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" cho những người chưa bị nhiễm.

Bà Dorit Nitzan, chuyên gia tại WHO, ngày 17/3 cho biết chiến lược miễn dịch cộng đồng có thể không phải giải pháp đúng đắn để khống chế virus Corona. Theo bà, tại thời điểm giới khoa học vẫn còn hạn chế thông tin về SARS-CoV-2, không thích hợp để chúng ta chọn cách tiếp cận như  trên. Bà Nitzan nói: “Đó là một loại virus mới và chúng ta còn phải nghiên cứu về nó”. 

Anh không làm xét nghiệm cho người có dấu hiệu nhẹ mà chỉ tập trung vào các bệnh nhân khởi phát triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đột ngột đảo ngược chính sách điều trị trên tuần qua sẽ cho phép nước Anh tăng cường xét nghiệm để ngăn chặn ca lây nhiễm mới, tránh gây gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

Tại vùng Veneto của Italy với dân số gần 5 triệu người, cơ quan chức năng chủ trương mở rộng chương trình xét nghiệm quyết liệt trong toàn khu vực, đồng thời cố gắng đạt mục tiêu kiểm tra cho ít nhất 11.000 người mỗi ngày. “Nếu ai đó gọi vào đường dây nóng báo cáo họ bị ốm, sau đó mọi người trong gia đình này, toàn bộ bạn bè và người sống cùng tòa nhà sẽ được kiểm tra”, Giáo sư Andrea Crisanti cho hay. 

Ông Luca Zaia, người đứng đầu vùng Veneto và đề xướng dự án thí điểm tại thị trấn Vò, ngày 17/3 tái khẳng định rằng việc xét nghiệm diện rộng là vô cùng quan trọng: “Một người bệnh không có triệu chứng có thể lây cho 10 người. Lấy mẫu xét nghiệm có thể cứu sống nhiều sinh mạng”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Luật sư dự báo tỷ lệ ly hôn sẽ tăng sau thời gian cách ly vì dịch COVID-19
Luật sư dự báo tỷ lệ ly hôn sẽ tăng sau thời gian cách ly vì dịch COVID-19

Một luật sư cao cấp người Anh đã cảnh báo đại dịch COVID-19 rất có thể sẽ khiến cho nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ khi các cặp vợ chồng phải ở bên nhau quá nhiều khi bị cách ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN