Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế của Thái Lan, bác sĩ Somsak Akhasip cho hay người dân nước này không phải lo lắng về việc thiếu giường bệnh khi dịch đang bùng phát mạnh. Thái Lan có một nguồn cung cấp thiết bị y tế dồi dào và sẵn sàng đáp ứng cho bệnh nhân kể cả ở mức độ khủng hoảng.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, “mức độ khủng hoảng” sẽ xảy ra nếu số lượng bệnh nhân nhiễm vượt quá 1.000 ca mỗi ngày. Nguồn lực về thiết bị y tế của nước này ước tính sẽ đủ cho 4.000 bệnh nhân. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang nỗ lực xây dựng các bệnh viện dã chiến tại các nhà thi đấu thể thao, các căn hộ và khách sạn. Đây sẽ là những nơi để điều trị cho bệnh nhân phục hồi sau 48 giờ nằm viện. Tổng thời gian điều trị trung bình cho các trường hợp mắc COVID-19 tại Thái Lan vào khoảng 20 ngày.
Trong khi đó, tại Indonesia, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cùng ngày, chính quyền tỉnh Tây Kalimantan đã đóng cửa biên giới trên đất liền với bang Sarawak của Malaysia.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, hãng thông tấn chính thức Antara dẫn lời người đứng đầu Sở Giao thông Tây Kalimantan cho biết tất cả các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh này với Malaysia đã tạm đóng cửa 3 cửa khẩu biên giới trên bộ với bang Sarawak của Malaysia, song người nước ngoài vẫn được phép xuất cảnh.
Trước đó, chính quyền tỉnh này đã ngừng các tuyến xe buýt đến Malaysia và Brunei do lo ngại COVID-19.
Những biện pháp trên của Indonesia được thực hiện sau khi nước này thông báo 55 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên tới 227 ca và đánh dấu sự gia tăng số ca mắc bệnh cao nhất trong ngày.
Theo một quan chức y tế của Indonesia, số người tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng tới 19 người và được ghi nhận tại 7 tỉnh. 11 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.
Trong khi đó, tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 117 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người bị mắc bệnh lên tới 790 người. Theo bộ trên, 80 ca trong số những ca mắc bệnh mới có liên quan tới việc 16.000 người tụ tập tại một nhà thờ của người Hồi giáo gần thủ đô Kuala Lumpur.