Theo tờ Politico (Mỹ), khi số lượng người nhiễm bệnh đang tiếp tục gia tăng, Italy trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Tính đến ngày 14/3, quốc gia châu Âu này đã ghi nhận tổng cộng 17.660 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1266 ca tử vong, trong đó, có trên 70% bệnh nhân mắc COVID-19 sống tại thành phố Bologna. Quá tải người bệnh, các bệnh viện trong khu vực phải tranh nhau giường bệnh cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Một số cơ sở đã phải tạm dừng hoạt động các khoa thông thường chuyển thành phòng chăm sóc tích cực, tập trung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Các y bác sĩ đang phải làm việc tăng ca để giúp đỡ những đồng nghiệp đã kiệt sức của mình. Họ phải đứng trước những lựa chọn ngày càng khó khăn hơn trong việc quyết định bệnh nhân nào sẽ được nằm giường bệnh và sử dụng mặt nạ dưỡng khí khi những vật tư này không đủ để cung cấp cho tất cả mọi người.
“Có một thực tế là chúng tôi sẽ phải lựa chọn ai là người được điều trị, việc đưa ra quyết định phụ thuộc vào cá nhân mỗi người điều trị. Nhiều người tự dằn vặt mình vì cảm thấy điều đó có vấn đề về đạo đức”, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện lớn nhất thành phố Milan chia sẻ.
Lombardy có khoảng 900 giường bệnh có sẵn cho bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt, nhưng tại một số tỉnh, đặc biệt là ở Bergamo, Lodi và Pavia, các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.
Chính phủ Italy chỉ thị cần phải tiết kiệm tài nguyên y tế, tập trung chữa trị cho các bệnh nhân có cơ hội sống sót cao, điều này có nghĩa người trẻ và khoẻ mạnh sẽ được ưu tiên điều trị hơn những bệnh nhân lớn tuổi hơn hoặc những người đã mắc bệnh từ trước.
“Chúng tôi không muốn phân biệt đối xử với các bệnh nhân. Chúng tôi cũng hiểu rằng cơ thể của một bệnh nhân lớn tuổi vô cùng yếu ớt và không thể chịu đựng được các phương pháp điều trị nhất định so với những người trẻ khoẻ mạnh. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã vô cùng hoảng sợ khi phải đứng trước sự lựa chọn này”, bác sĩ gây mê Luigi Riccioni, Chủ tịch Ủy ban đạo đức Siiarti thuộc Hiệp hội Gây mê, Giảm đau, Hồi sức và Chăm sóc chuyên sâu Italy, đồng tác giả hướng dẫn mới về cách ưu tiên điều trị virus SARS-CoV-2, cho biết.
Bằng cách đưa ra các khuyến nghị, bác sĩ Riccioni cũng cho biết ông muốn đảm bảo các bác sĩ và nhân viên y tế không bị bỏ lại một mình “trước một lựa chọn đạo đức khó khăn như vậy”.
Áp lực đối với các bác sĩ là vô cùng lớn và ngày càng căng thẳng. Ông Giulio Gallera – Uỷ viên Hội đồng phúc lợi vùng Bologna chia sẻ ông đã chứng kiến một số học viên y khoa bật khóc vì tình trạng thảm khốc đang diễn ra trong bệnh viện. Họ lo lắng mình không thể chữa trị cho tất cả các bệnh nhân vì nhu cầu đang vượt xa nguồn lực sẵn có.
Trong một bài phỏng vấn được đăng trên tờ Corriere della Sera của Italy hôm 9/3, bác sĩ gây mê Christian Salaroli tại một bệnh viện ở Bergamo, đã so sánh tình trạng hiện nay với các bệnh viện trong thời chiến, khi những bệnh nhân lớn tuổi bị bỏ lại, không được chữa trị và phải nằm ngoài lề đường.
“Quyết định được đưa ra bên trong phòng cấp cứu dành riêng cho người mắc COVID-19. Nếu một bệnh nhân khoảng 80 đến 95 tuổi đã tiến triển đến giai đoạn suy hô hấp nặng, người đó có khả năng sẽ không được điều trị”, ông nói.
Bác sĩ gây mê tại một bệnh viện ở Cremona cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát, nguyên tắc “đến trước, được phục vụ trước” đã bị phá bỏ.
Quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước của chính phủ Italy phần nào cũng đã giảm bớt gánh nặng đối với y bác sĩ, giúp họ đuổi kịp tốc độ gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính quyền Rome nên hành động dứt khoát và nhất quán hơn để đảm bảo tất cả các khu vực đều nằm trong tầm kiểm soát.
“Chúng tôi cần thông điệp rõ ràng và một văn bản ít mơ hồ hơn", ông Giulio Gallera nói.
Trước đó, lệnh phong toả miền Bắc Italy đã gây ra tình trạng hoảng loạn nghiêm trọng khi có hàng chục nghìn người đổ về phía Nam để thoát khỏi lệnh cách ly.
Bác sĩ gây mê tại bệnh viện Policlinico ở Milan Giuseppe Sofi cho biết các chuyên gia y tế đang chuẩn bị tinh thần cho sự xuất hiện của dịch bệnh ở miền Nam Italy khi đến nay khu vực này mới ghi nhận ít nhất 300 trường hợp nhiễm bệnh.
Các khu vực miền Bắc và miền Trung Itay không chỉ là những khu vực có nền kinh tế phát triển mà còn có hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cả nước. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia e ngại miền Nam Italy có nguy cơ đối mặt với một thảm hoạ kinh khủng hơn trong thời gian tới.