Sự cố bí ẩn
Ngày 26/9, công ty vận hành Nord Stream 2 AG đã báo cáo về tình trạng sụt giảm áp suất mạnh đột ngột xảy ra tại một đường ống thuộc tuyến Nord Stream 2 dân khí đốt từ Nga sang châu Âu, nơi chứa đầy khí kỹ thuật trong quá trình xây dựng.
Tiếp đến, nhà điều hành Nord Stream 1 cũng phát hiện tình trạng tương tự trên cả hai đường ống thuộc tuyến này. Mặc dù, Nord Stream 1 ngừng hoạt động từ cuối tháng 8, nhưng đã được nạp đầy khí đốt.
Theo người phát ngôn Cơ quan Hàng hải Thụy Điển, ba vị trí xảy ra rò rỉ nói trên rất gần nhau và nằm ở vùng biển phía Đông Bắc của đảo Bornholm thuộc Đan Mạch. Tiếp đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện vết rò rỉ thứ 4 trên tuyến đường ống này.
Hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 là công trình do tập đoàn Gazprom của Nga khai thác, vận chuyển khí đốt từ Nga vào Đức.
Xung quanh thời điểm rò rỉ khí đốt, các nhà địa chấn học phát hiện ra hai vụ nổ mạnh vào ngày 26/9. Một vụ nổ trong số đó có độ lớn 2,3 đã được hàng chục trạm giám sát ở miền nam Thụy Điển phát hiện.
Phát hiện này làm dấy lên nghi vấn sự cố rò rỉ Nord Stream là do hành vi phá hoại. Mỹ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đều coi vụ việc là hành vi phá hoại có chủ đích. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ phá hoại chưa từng có đối với hệ thống đường ống này là “hành động khủng bố quốc tế”. Do các vụ tấn công dưới nước khó phát hiện hơn nên các bên chưa thể xác nhận nghi phạm trong vụ việc.
Ngày 3/10, Cơ quan Công tố Thụy Điển thông báo đã phong tỏa khu vực xung quanh đoạn đường ống Nord Stream 1 bị rò rỉ nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này trên Biển Baltic để tiến hành điều tra về vụ việc trên. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã bắt đầu tăng cường giám sát khu vực trong EEZ của nước này xung quanh đoạn đường ống bị rò rỉ hồi tuần trước.
Trước đó, Đức cũng tuyên bố đang điều tra nguyên nhân sự cố tại Nord Stream 2. Bộ Kinh tế Đức nhấn mạnh hiện chưa rõ nguyên nhân gây giảm áp suất trong đường ống dưới biển này, cũng như liệu vấn đề có liên quan đến đoạn đường ống thuộc lãnh hải của Đức hay không. Nhà chức trách Đức đang nỗ lực làm rõ vấn đề.
Về phần mình, ngày 28/9, Văn phòng Công tố Nga thông báo cơ quan an ninh nước này đã mở cuộc điều tra khủng bố quốc tế đối với sự cố tại Nord Stream. Cơ quan An ninh Nga (FSB) mở cuộc điều tra sau khi phát hiện các hành động phá hoại có chủ đích gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho Nga. Moskva cũng kêu gọi các nước phối hợp làm rõ vụ việc và có phương án khắc phục hậu quả.
Sau sự cố, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng.
Na Uy đã tăng cường an ninh và giám sát xung quanh các địa điểm cơ sở hạ tầng năng lượng của mình. Cơ quan Hàng hải Đan Mạch cũng cho biết đã đã thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh chỗ rò rỉ, cảnh báo các tàu đi lại xung quanh và nguy cơ bốc cháy cả trên mặt nước và trên không từ lượng khí thoát ra.
Các nhà khoa học lo ngại khí mêtan thoát ra Biển Baltic từ đường ống Nord Stream bị rò rỉ có thể là một trong những vụ rò rỉ khí đốt tự nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay và gây ra những rủi ro khí hậu lớn. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết tổng cộng 800 triệu m3 khí đốt tự nhiên đã bị thất thoát sau sự cố.
Các bên cáo buộc lẫn nhau
Sự cố đã làm bùng lên tranh cãi và đổ lỗi giữa các bên có liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga.
Mỹ và phương Tây suy luận rằng trong số các nghi phạm đứng sau hành động phá hoại Nord Stream, Nga có khả năng thực hiện nhất, bởi điều này phù hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã chỉ trích những cáo buộc trên là “ngớ ngẩn”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vụ rò rỉ đường ống này là vấn đề lớn đối với Nga, đồng thời kêu gọi các bên suy nghĩ trước khi đưa ra tuyên bố và chờ kết quả điều tra.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cáo buộc Mỹ là bên hưởng lợi nhất từ vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream, chứ không phải Nga hay EU.
Đài RT (Nga) dẫn phát biểu của ông Nebenzia tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: “Câu hỏi quan trọng là liệu những gì đã xảy ra với Nord Stream có mang lại lợi ích cho Mỹ hay không? Chắc chắn là có. Các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ giờ đây có thể tăng gấp nhiều lần lượng xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho châu Âu”.
Nhà ngoại gia Nga này cũng chỉ ra rằng ngoại trừ các quốc gia từ lâu đã căng thẳng với Nga - như Ba Lan, Cộng hoà Séc và vùng Baltic, các nước còn lại ở châu Âu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ sau sự cố đường ống Nord Stream, đặc biệt là về kinh tế.
Ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta suy nghĩ một cách thấu đáo, Nga không hưởng lợi gì từ việc phá hỏng đường ống của chính mình. Chúng tôi không có lý do để tự huỷ hoại dự án mà chúng tôi đã đầu tư một số tiền lớn và nó giúp chúng tôi thu về lợi nhuận kinh tế lớn”.
Theo hãng thông tấn TASS, ông Douglas Macgregor - cựu cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump - cho rằng Mỹ và Anh có thể đứng sau các vụ nổ liên quan đến đường ống khí đốt Nord Stream.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phủ nhận Mỹ hay các nước thành viên NATO có hành động phá hoại Nord Stream. Dù vậy, ông thừa nhận sự cố này giúp Mỹ thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, cũng như là cơ hội để EU chấm dứt phụ thuộc khí đốt Nga.
Hiện chưa rõ bên nào là thủ phạm, nhưng vụ việc đã gây bất an về an ninh năng lượng tại châu Âu ở thời điểm nguồn cung hạn hẹp trước mùa đông. Ngày 27/9, giá khí đốt của châu Âu đã tăng 12% sau khi xuất hiện tin tức về các vụ nổ đường ống, mặc dù thực tế là Nord Stream 1 đã không vận chuyển khí đốt từ tháng 8 và Nord Stream 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động.
Trang oilprice.com dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng an ninh sản xuất năng lượng ngoài khơi, đặc biệt là ở Biển Bắc, vẫn còn rất yếu. Một nhân tố tiềm tàng nào đó có thể lợi dụng tình hình và gây thiệt hại đáng kể cho thị trường năng lượng của châu Âu trong những tháng tới.
Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) là một cặp đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở châu Âu chạy dưới Biển Baltic từ Nga tới Đức. Hệ thống gồm đường ống Nord Stream 1 chạy từ Vyborg ở tây bắc Nga, gần Phần Lan và đường ống Nord Stream 2 chạy từ Ust-Luga ở tây bắc Nga gần Estonia. Cả hai đường ống đều chạy đến Lubmin ở bang Mecklenburg-Vorpommern, miền đông bắc Đức. Mỗi tuyến gồm hai đường ống, ký hiệu là A và B, mỗi đường ống dài khoảng 1.200 km và có đường kính xấp xỉ 1.220 mm. Tổng công suất kết hợp của bốn đường ống là 110 triệu mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm.