Nhiều ứng dụng Trung Quốc đang 'làm mưa làm gió' thị trường Mỹ

Ngoài TikTok vốn đang gây tranh cãi, nhiều ứng dụng nguồn gốc Trung Quốc khác đang làm mưa làm gió tại Mỹ khi thu hút được nhiều người sử dụng.

Công ty phân tích Apptopia ước tính rằng 3/10 ứng dụng miễn phí hàng đầu ở Mỹ đều thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc.

CapCut

Chú thích ảnh
Giao diện của CapCut. Ảnh: mobileappdaily.com

Đài BBC (Anh) cho biết chỉ tính riêng trong tháng 2, ứng dụng chỉnh sửa video CapCut đã ghi nhận 13 triệu lượt tải về.

CapCut là công cụ chỉnh sửa video được tối ưu hóa dành cho điện thoại và có nhiều tính năng “đính kèm” như bài hát phổ biến, filter và hiệu ứng đặc biệt giúp video người sử dụng có thể trở thành hiện tượng.

CapCut thuộc sở hữu của ByteDance, vốn là công ty mẹ của TikTok.

Shein

Chú thích ảnh
Ứng dụng Shein đã thu hút nhiều người sử dụng tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Theo tạp chí Forbes, Shein là thương hiệu thời trang được thành lập vào năm 2012 và hiện nay đạt giá trị gần 15 tỷ USD. Trụ sở của Shein được đặt tại Singapore. Tỷ phú Trung Quốc Chris Xu là người sáng lập ra thương hiệu này.

Shein hiện là ứng dụng thời trang nhanh hàng đầu ở Mỹ đồng thời cũng đang lớn mạnh trên toàn cầu. Theo Statista, tính riêng trong năm 2022, đã có 195 triệu lượt tải về ứng dụng này.

Người mua của Shein đóng vai trò như nhà nhập khẩu đối với sản phẩm bán trên ứng dụng hoặc trang web của hãng. Điều này có nghĩa là Shein không phải trả thuế nhập khẩu đối với trang phục bán cho người tiêu dùng Mỹ. Shein hoạt động theo kiểu miễn thuế, trừ khi một đơn hàng vượt quá mức 800 USD. Hầu hết trang phục trên Shein không quá đắt đỏ. Với 800 USD, khách hàng có thể mua về nhiều quần áo và phụ kiện rẻ trước khi xu hướng thời trang lại thay đổi.

Shein cũng sử dụng mạng xã hội để nhắm đến người sử dụng GenZ với hàng trăm sản phẩm giá rẻ mới mỗi ngày.

Temu

Chú thích ảnh
Temu đưa ra mức giá khá rẻ với nhiều mặt hàng được vận chuyển trực tiếp từ các nhà máy và nhà kho Trung Quốc. Ảnh: TIME

Chỉ trong chưa đầy một năm kể từ khi ra mắt tại Mỹ, Temu đã vượt qua cả Amazon và Walmart. Theo công ty phân tích Sensor Tower, kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2022 tại Mỹ, Temu thu về trên 24 triệu lượt tải về và có hơn 11 triệu người sử dụng hàng tháng.

Temu là nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Boston (Mỹ) nhưng lại cùng chủ sở hữu với gã khổng lồ thương mại mạng xã hội Trung Quốc Pinduoduo. Temu vận hành siêu thị trực tuyến kinh doanh hầu hết mọi thứ - từ hàng gia dụng, quần áo đến đồ điện tử, tạo điều kiện để người tiêu dùng mua trực tiếp từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Bí quyết thành công

Các chuyên gia đánh giá thành công của các ứng dụng Trung Quốc ở Mỹ một phần bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh căng thẳng trong chính thị trường nội địa. Nhà nghiên cứu Zeyi Yang tại tạp chí MIT Review phân tích: “Các công ty công nghệ Trung Quốc đã có thời gian cạnh tranh căng thẳng tại quê nhà khiến họ về một cách nào đó vượt trội hơn các ứng dụng của Mỹ”.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong phát triển thuật toán gợi ý vốn được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, tương tự như thuật toán được sử dụng bởi TikTok và WeChat.

TikTok đã thu hút được 150 triệu người dùng ở Mỹ, phần lớn trong số họ là thanh thiếu niên và thanh niên bị thu hút bởi giao diện đơn giản của ứng dụng cũng như thuật toán gây nghiện cung cấp các video ngắn về bất kỳ chủ đề nào.

Các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ lo lắng về việc dữ liệu của nước này rơi vào tay chính phủ Trung Quốc và cho rằng TikTok đe dọa an ninh quốc gia cũng như quyền riêng tư của người dùng, đồng thời có thể được sử dụng để quảng bá thông tin sai lệch và tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh.

Vào ngày 23/2, CEO TikTok Shou Zi Chew đã trải qua phiên điều trần kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ. CEO TikTok nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ không cấm ứng dụng này hoặc buộc công ty mẹ ByteDance từ bỏ cổ phần sở hữu của mình. Ông chứng minh rằng TikTok ưu tiên an toàn của người dùng trẻ tuổi.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo BBC)
Công ty mẹ của TikTok mời gọi người Mỹ sử dụng ứng dụng mới
Công ty mẹ của TikTok mời gọi người Mỹ sử dụng ứng dụng mới

Trong bối cảnh CEO của TikTok phải điều trần 5 tiếng đồng hồ trước quốc hội Mỹ về ứng dụng này, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc đã gửi thông điệp đến người dân Mỹ: Hãy gia nhập ứng dụng mới của chúng tôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN