Theo báo cáo tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường có tên là CDP, các khu vực đô thị phát triển nhanh, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới đang ngày càng đối mặt với các thảm họa do biến đổi khí hậu, những cú sốc kinh tế hay khủng hoảng y tế trong bối cảnh thế giới ấm dần lên, mang theo những lo ngại rằng những cộng đồng dễ bị tổn thương sẽ là những chủ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sau khi thu thập dữ liệu được các công ty, thành phố, các tiểu bang và khu vực trên thế giới cung cấp liên quan đến những tác động môi trường, phân tích hơn 800 thành phố trên toàn cầu, CDP nhận thấy rằng 43% các thành phố trên thế giới cho đến nay chưa có kế hoạch thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Với việc ngày càng có nhiều người đến sống ở các khu vực thành thị, CDP ước tính rằng đến năm 2030, khoảng 400 triệu người sẽ phải sống trong các thành phố nghèo. Bà Mirjam Wolfrum, Giám đốc Chính sách của CDP tại châu Âu cho biết: "Việc cần thiết nhất lúc này là hành động và có các biện pháp thích ứng để bảo vệ sự an toàn cho công dân, vốn đang gia tăng cùng với dân số đô thị ngày càng tăng".
Theo bà Mirjam Wolfrum, có tới 93% các thành phố, được đề cập đến trong báo cáo, đang phải đối mặt với những hiểm họa, trong khi 60% phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước. Năm mối nguy hiểm hàng đầu gồm lũ lụt, sóng nhiệt, mưa bão, những ngày nóng và hạn hán kỷ lục và ô nhiễm không khí cũng là mối quan ngại lớn liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu đang thực hiện ở các thành phố, được CDP thống kê, mới chỉ bao gồm trồng cây (20%), lập bản đồ lũ lụt (18%) và phát triển kế hoạch quản lý khủng hoảng như hệ thống sơ tán (14%).
Với các thành phố chiếm 70% lượng khí thải toàn cầu, báo cáo cho biết các trung tâm đô thị cũng đang xem xét các kế hoạch như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cải thiện không gian xanh, cơ sở hạ tầng giao thông và tái chế.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ thời điểm ký kết, thế giới liên tục ghi nhận kỷ lục những năm nóng nhất, trong khi những trận bão lớn, lũ lụt và cháy rừng đang đẩy nhiều cộng đồng dân cư trên khắp hành tinh vào tình trạng khủng hoảng.