Theo đó, từ ngày 23/9, Nepal mở cửa trở lại với du khách và dỡ bỏ quy định cách ly khi nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tiêm phòng. Các quốc gia láng giềng của Nepal dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định tương tự.
Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Bộ Du lịch Nepal Tara Nath Adhikari cho biết quyết định nối lại việc cấp thị thực là nhằm mở cửa trở lại ngành du lịch, vốn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Nepal. Tuy nhiên, tất cả hành khách, dù đã tiêm phòng hay chưa, vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh. Những du khách chưa tiêm phòng phải thực hiện cách ly trong 10 ngày.
Quyết định trên được đưa ra đúng thời điểm thuận lợi nhất cho các chuyến leo núi mùa thu ở Nepal. Hiệp hội Leo núi Nepal (NMA) nhận định đây là quyết định rất quan trọng, có thể giúp gia tăng lượng khách du lịch quốc tế đến nước này.
Do khách quốc tế là một trong những nguồn thu chủ yếu cho Nepal, quyết định đóng cửa đất nước do đại dịch COVID-19 hồi tháng 3 năm ngoái đã gây thiệt hại kinh tế ước tính hàng trăm triệu USD, đồng thời tác động mạnh tới khoảng 800.000 người làm việc trong ngành du lịch tại quốc gia Nam Á này.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Nepal là Ấn Độ dự định cấp miễn phí 500.000 thị thực du lịch để chuẩn bị nối lại hoạt động của ngành du lịch sau hơn một năm đóng cửa. Hiện Ấn Độ đang đàm phán với các hãng hàng không quốc tế để lên lịch trình nối lại các chuyến bay giữa nước này và các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Còn tại Sri Lanka, từ tháng 7, khách du lịch nước ngoài đã tiêm phòng bắt đầu được phép nhập cảnh vào nước này mà không cần phải cách ly nếu có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Khu vực Nam Á phụ thuộc nhiều vào du lịch, với khoảng 47 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này, theo số liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã buộc các nước phải đóng cửa các bãi biển và khu du lịch trên núi, khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm mạnh. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế của các quốc gia khu vực trong năm ngoái.