Nhiều nước EU yêu cầu các tập đoàn loại bỏ các rào cản thương mại nội khối 

Ngày 24/5, tám nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) kiểm soát tình trạng các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ đang hạn chế thương mại một cách không công bằng trong khối này và theo đó buộc người tiêu dùng phải chi trả nhiều tiền hơn.

Chú thích ảnh
Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN

Lời kêu gọi của các nước trên - gồm: Hà Lan, Bỉ, Croatia, CH Séc, Đan Mạch, Hy Lạp, Luxembourg và Slovakia - được đưa ra một ngày sau khi EC phạt Mondelez - tập đoàn sản xuất bánh kẹo Mỹ sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Toblerone và Oreo - số tiền 337,5 triệu euro (tương đương 366 triệu USD) vì vi phạm các quy tắc thương mại của EU. Theo EU, tập đoàn Mondelez đã hạn chế thương mại xuyên biên giới đối với các sản phẩm sôcôla, bánh quy và cà phê trong EU, qua đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong bối cảnh người dân châu Âu đang gồng mình ứng phó với lạm phát gia tăng.

Chi phí sinh hoạt là một chủ đề nóng trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện EU vào tháng 6 tới, trong bối cảnh các hộ gia đình tại khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề do giá tiêu dùng tăng cao sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy lạm phát đã chậm lại kể từ sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2022, nhưng chi phí lương thực hiện vẫn ở mức cao.

Một số nước EU tin rằng việc giải quyết sự bất công trong thị trường chung là một giải pháp giúp đỡ người tiêu dùng đang gặp khó khăn.

Theo các nước trên, trong EU hiện có sự chênh lệch về giá bán đối với cùng một sản phẩm và EC “nên hành động” nếu tình trạng này là do các công ty đa quốc gia đang hạn chế việc bán hàng hóa tại thị trường chung của khối. Dự kiến vấn đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp của các bộ trưởng EU tại Brussels (Bỉ) vào cuối ngày 24/5.

Tám nước trên dẫn số liệu trong một nghiên cứu của EC năm 2020, cho thấy những hạn chế về thương mại khiến người tiêu dùng EU thiệt hại hơn 14 tỷ euro/năm.

Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Micky Adriaansens nhấn mạnh: "Việc loại bỏ các rào cản thương mại phải là ưu tiên hàng đầu của thị trường chung. Điều này giúp duy trì giá bán lẻ đối với các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm ở mức công bằng. Điều này cũng đặc biệt quan trọng trong thời điểm giá tiêu dùng đang ở mức cao". Theo bà Micky Adriaansens, 8 quốc gia đã đề xuất một lộ trình cụ thể nhằm tiến tới lệnh cấm của EU về việc hạn chế thương mại trong khối, thông qua việc điều chỉnh các quy định chung hiện có.

Thanh Phương (TTXVN)
Ukraine đàm phán với EU tăng tối đa nhập khẩu điện
Ukraine đàm phán với EU tăng tối đa nhập khẩu điện

Ukraine đang đàm phán để tăng tối đa lượng điện nhập khẩu từ các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm bù đắp cho thiếu hụt sản lượng điện do ảnh hưởng bởi xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN