Trong thông báo ngày 19/9, các công tố viên thành phố Munich cho biết họ đang tiến hành điều tra 17 nhân vật đã biết tên và nhiều nhân vật khác chưa xác định được danh tính, liên quan tới hành vi tiết lộ hoặc xúi giục tiết lộ các bí mật thương mại và bí mật của của công ty.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức - Trung tá Lars Ebinger, bộ này đang phối hợp với các công tố viên để "làm rõ những loại tài liệu liên quan". Ông Ebinger cho biết không loại trừ khả năng đây là tài liệu mà Airbus được phép tiếp cận. Hiện các nhân viên của Airbus có liên quan đến vụ việc đã bị triệu tập tới Cơ quan truyền thông, tình báo và an ninh (CIS) có trụ sở tại Munich.
Trước đó, ngày 18/9, Airbus ra tuyên bố cho biết một số nhân viên của tập đoàn này đã "có những tài liệu mà họ không nên có". Các tài liệu mật này liên quan đến 2 dự án mua sắm khí tài quân sự đã được lên kế hoạch.
Đức cùng với Pháp và Tây Ban Nha là những quốc gia nắm giữ cổ phần đáng kể trong Airbus, vốn được coi là "át chủ bài" trong lĩnh vực vận tải và quốc phòng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Airbus đã phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra, nhiều trong số đó có liên quan tới vai trò của Airbus là nhà thầu quốc phòng cho các chính phủ trên thế giới. Tại Đức, hồi năm ngoái, Airbus đã phải nộp phạt hơn 81 triệu euro (90 triệu USD) để dàn xếp một cuộc điều tra tham nhũng xung quanh hợp đồng bán 18 máy bay chiến đấu cho Australia.