Trong một báo cáo công bố trực tuyến ngày 10/9, Chính phủ Nhật Bản cho biết đã nhận được hơn 40.000 thư điện tử của người dân bày tỏ ý kiến về việc Tokyo loại Seoul khỏi "Danh sách Trắng", với 95% bày tỏ ủng hộ biện pháp này.
Trong số các ý kiến thu thập được, một số người cho rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc của Nhật Bản là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của nước này. Ý kiến này làm gia tăng hoài nghi về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong khi đó, số khác dự đoán rằng Hàn Quốc có thể chuyển thiết bị sang Triều Tiên vì vậy kêu gọi Chính phủ Nhật Bản triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nguyên vật liệu có thể được chuyển sang phục vụ mục đích quân sự.
Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, Tokyo đã hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao cần thiết đối với các hãng sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Seoul, Nhật Bản ngày 28/8 đã chính thức loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" các nước được hưởng ưu đãi giảm đến mức tối thiểu các hạn chế thương mại. Những nước nằm trong danh sách này không cần qua các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt của Tokyo khi nhập khẩu từ Nhật Bản hơn 1.100 "mặt hàng chiến lược", trong đó có linh kiện điện tử, có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Nhật Bản khẳng định việc siết quy định chặt xuất khẩu này là vì lý do an ninh quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc không ngừng tuyên bố rằng những cáo buộc của Nhật Bản về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc là vô căn cứ, đồng thời kêu gọi Tokyo cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc này. Phía Hàn Quốc cho rằng đây là các biện pháp trả đũa việc các tòa án Hàn Quốc năm ngoái phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.
Trong một biện pháp trả đũa, Hàn Quốc hồi tháng trước tuyên bố cũng loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của nước này. Hàn Quốc cũng hoàn tất việc thu thập ý kiến người dân về chính sách thương mại mới của nước này dự kiến sẽ chính thức được triển khai sớm nhất vào vào tuần tới.