Phát biểu tại một sự kiện do báo The Hill tổ chức, Bộ trưởng Mnuchin cho biết sau gói hỗ trợ trị giá 3.000 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước, Mỹ nhiều khả năng sẽ cần thêm một dự luật khác. Dự kiến trong những tuần tới, Chính phủ Mỹ sẽ thận trọng xem xét cách thức chi tiêu khoản tiền viện trợ mới, nếu cần thiết.
Về dự luật Heroes Act do đảng Dân chủ đề xuất trị giá 3.000 tỷ USD được Hạ viện thông qua, ông Mnuchin cho rằng đây là một dự luật mang tính "thiên lệch", không phải là điều Mỹ nên tập trung vào thời điểm này. Dự luật đề xuất gần 1.000 tỷ USD hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời đề xuất 75 tỷ USD cho việc xét nghiệm, thanh toán trực tiếp lên tới 6.000 USD cho mỗi hộ gia đình ở Mỹ. Trước đó, nhiều Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã tuyên bố sẽ không thông qua dự luật này.
Ngày 17/5 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo sẽ phải mất một thời gian để Mỹ có thể phục hồi sau những thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra. Ông cũng tái khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ dường như cần chính phủ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lực lượng lao động và các doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế, ngoài khoản hỗ trợ gần 3.000 tỷ USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết ông sẽ nhanh chóng ký thông qua chương trình hỗ trợ liên bang cho các tiểu bang và thành phố nước này để hỗ trợ đối phó dịch COVID-19, đồng thời đề nghị các thống đốc bang ngừng việc tăng lương trong lĩnh vực công ít nhất cho tới cuối năm 2021.
Dự luật phân phối kinh phí trị giá 60 tỷ real (tương đương với 10,72 tỷ USD), trong các quỹ liên bang cho các tiểu bang và thành phố Brazil đã được Quốc hội nước này phê chuẩn vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro tới nay vẫn chưa ký thông qua dự luật do có sức ép từ phía Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes, người muốn áp dụng nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng tài chính.
Brazil hiện đang đứng thứ ba thế giới với 310.921 ca nhiễm và 20.082 ca tử vong do COVID-19. Trong khi đó, mối quan hệ giữa người đứng đầu Chính phủ Brazil với các thống đốc bang và thị trưởng thành phố ngày càng trở nên căng thẳng do nhiều bất đồng trong các phương thức đối phó dịch bệnh.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Canada, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada, ông Stephen Poloz bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế nước này sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và phục hồi vững chắc trong năm nay, cho dù đã phải đón nhận một loạt thống kê kinh tế đáng thất vọng trong những tuần gần đây.
Từ tháng 4 vừa qua, những dữ liệu yếu kém bắt nguồn từ tình trạng đóng cửa kinh tế do dịch bệnh, cùng với dự báo về khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) “rơi tự do” trong quý II đã góp phần dẫn đến những dự đoán u ám về những tổn thất kinh tế của Canada trong nhiều quý. Tuy nhiên, theo Thống đốc Poloz, nhiều nhà quan sát đã quá chú trọng tới các con số thay vì tập trung vào bản chất của tình trạng kinh tế đi xuống. Ông nhận định nền kinh tế Canada vẫn đang đi đúng quỹ đạo để tiến tới kịch bản tốt nhất mà Ngân hàng trung ương Canada đã phác thảo trong Báo cáo chính sách tiền tệ của tháng 4. Đó là nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh và nhanh trong 6 tháng cuối năm nay, chứ không phải là kịch bản xấu nhất khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kéo dài, hoặc nền kinh tế sẽ đóng cửa thêm một đợt nữa.
Ông Poloz cũng thừa nhận rằng tình trạng đóng cửa nền kinh tế sẽ khiến một số doanh nghiệp không vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng giải phóng năng lực đổi mới cũng như cách thức kinh doanh mới, và sẽ cho ra đời một làn sóng các công ty mới.
Ông Poloz dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ 7 năm trên cương vị Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada vào ngày 2/6 tới.
Theo trang chủ của Chính phủ Canada, nước này hiện có 81.324 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.152 ca tử vong.