Hợp đồng gây tranh cãi
Theo kênh NBC News, thỏa thuận mua máy làm sạch khẩu trang giữa đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng và một công ty quốc phòng có vẻ tốt đẹp. Chiếc máy có thể giúp khẩu trang bảo hộ sử dụng lại được tới 20 lần. Với 60 triệu USD cho 60 máy, giá cả rất hợp lý.
Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, giá đã đội lên tới 413 triệu USD. Tới ngày 1/5, Lầu Năm Góc chốt giá trần ở mức 600 triệu USD với giải thích về việc trao hợp đồng mà không qua quy trình đấu thầu công khai hoặc hợp đồng thực.
Điều tồi tệ hơn vấn đề đội giá là các nhà khoa học và y tá cho biết khẩu trang sau khi được những máy này làm sạch bắt đầu giảm chất lượng chỉ sau hai hoặc ba lần xử lý, chứ không phải 20 lần. Công ty bán cho biết thử nghiệm gần đây chỉ đảm bảo khẩu trang dùng được sau 4 lần sử dụng và khử khuẩn.
Y tá một vài nơi ở Mỹ cho biết họ sợ mắc COVID-19 khi dùng khẩu trang N95 vì không khít mặt sau vài lần cho vào hệ thống làm sạch có sử dụng dung dịch ô xy già bốc hơi để khử khuẩn.
Các y tá cho rằng máy do Viện Tưởng niệm Battelle được đưa vào sử dụng vội vã khi Mỹ chưa mua và sản xuất đủ thiết bị bảo hộ. Kênh NBC News cho rằng do không có bên ngoài giám sát nên nhóm đặc nhiệm Nhà Trắng đã chi hàng tỷ USD vào các hợp đồng mua trang thiết bị phòng chống COVID-19 không có tác dụng như quảng cáo.
Theo những người chỉ trích bên trong Chính quyền Mỹ, việc theo đuổi cách tiếp cận như trên trong tìm giải pháp và thiết bị y tế để làm chậm quá trình virus lây lan là lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội.
Ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống Barack Obama, nói: “Trong vòng vài tuần qua, điều mà chính quyền đã làm, cách họ xử lý các hợp đồng và mọi thứ đều không minh bạch, không có giải trình trách nhiệm”.
Về mặt kỹ thuật, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng (DLA) thuộc Lầu Năm Góc làm việc với đội đặc nhiệm Nhà Trắng đã trao thư hợp đồng cho Viện Tưởng niệm Battlelle, cho phép chốt chi tiết thỏa thuận sau khi công việc bắt đầu. Khi các quan chức DLA nộp bản giải trình theo yêu cầu của luật pháp về quy mô thỏa thuận, họ viết rằng giá trị tối đa giờ là 600 triệu USD.
Phát ngôn viên DLA cho biết khoản 187 triệu USD chênh lệch là để có chỗ linh hoạt điều chỉnh. Người này nói: “Tới nay, giá trị hợp đồng vẫn là 413 triệu USD”.
Việc triển khai máy khử khuẩn khẩu trang giờ là một phần trong quá trình chuyển tiếp tới giai đoạn tập trung vào kích thích nền kinh tế vì chính quyền Mỹ cho rằng các máy này giúp giảm nhu cầu cung cấp khẩu trang mới cho nhân viên y tế.
Ngày 6/5, Tổng thống Trump nói với một nhóm y tá tại Nhà Trắng rằng thông tin thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân là tin giả. Ngày 14/5, ông cho biết ông đang giảm chương trình mua thiết bị từ nước ngoài vì Mỹ đã tích trữ đủ.
Tuy nhiên, theo bà Randi Weingarten, Chủ tịch hiệp hội đại diện cho y tá Mỹ, nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu vẫn thấy thiếu thiết bị bảo hộ. Điều đó có nghĩa là họ buộc phải dùng khẩu trang do máy Battlelle khử khuẩn, cho dù N95 chỉ nên dùng một lần.
Vừa đắt vừa không hiệu quả như mong muốn
Cụ thể về quá trình đàm phán hợp đồng như sau. Khi lãnh đạo nhóm đặc nhiệm họp ngày 8/4, họ không biết có nên tiến hành hợp đồng với Viện Tưởng niệm Battlelle nữa hay không vì giá cao. Trong khi đó, Tổng thống Trump rõ ràng muốn triển khai nhanh máy khử khuẩn khẩu trang.
Mới 10 ngày trước đó, ông đã ủng hộ việc cho phép sử dụng máy khử khuẩn khẩu trang ở các bệnh viện và cho phép Viện Tưởng niệm Battlelle không cần tuân theo quy định đảm bảo chất lượng liên bang hiện hành.
Tuy nhiên, từ ngày 3/4 tới 8/4, giá máy đã vọt từ 60 triệu lên 413 triệu USD. Theo biên bản tóm tắt cuộc họp, Viện Tưởng niệm Battlelle đã nâng giá mỗi máy từ 1 triệu USD lên 6,8 triệu USD do tính thêm chi phí hoạt động trong 6 tháng, chi phí vận chuyển, chi phí hậu cần (thuê và đào tạo kỹ thuật viên). Tính ra, chi phí hậu cần 353 triệu USD trong 6 tháng tương đương giá bán lẻ 278 triệu chiếc khẩu trang N95 mới.
Ngoài vận hành máy, bảo dưỡng máy và vận chuyển khẩu trang từ chỗ khử khuẩn tới các hệ thống y tế, Viện Tưởng niệm Battlelle còn cho biết mỗi khu vực đặt máy cần những thứ như nhà vệ sinh di động, vòi hoa sen, thiết bị bảo hộ và đôi khi cần cả lều bạt rất lớn để vận hành máy.
Viện Tưởng niệm Battlelle đã thực hiện nhiều công việc trị giá hàng tỷ USD cho chính phủ liên bang từ khi tham gia Dự án Manhattan về triển khai bom nguyên tử. Phần lớn công việc của Battlelle là bí mật.
Công ty có một khách hàng rất quyền lực đó là Tổng thống và việc đội giá gấp gần 7 lần dường như chỉ khiến một quan chức cấp cao trong đội đặc nhiệm bận tâm. Đó là Chuẩn tướng Không quân John Bartrum, cố vấn cho Bộ Y tế và Nhân sinh. Ông phản đối hợp đồng, nói rằng chính phủ cần cân nhắc việc mua 10 máy nói trên cũng như chi phí vận hành. Ông cho rằng cần thời gian để đánh giá lại xem chi phí có hợp lý.
Lo ngại của ông Bartrum cũng phù hợp với quan điểm của các chuyên gia liên bang về ngân sách, hợp đồng, dịch tễ, xét nghiệm dịch bệnh… Họ đề nghị cấp trên cân nhắc lại hoặc ít nhất quan tâm hơn tới tiền thuế của người dân.
Tuy nhiên, tiếng nói của nhiều chuyên gia bị đội đặc nhiệm lấn át vì họ muốn nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Tổng thống. Cuối cùng, ông Bartrum không thể làm gì. Đội đặc nhiệm đã ra lệnh tiến hành hợp đồng mua máy khử khuẩn.
Hai ngày sau cuộc họp, Battelle và Bộ Quốc phòng thông báo hợp đồng 413 triệu USD. Vậy là trong vòng chưa đầy hai tuần, Battelle đã được miễn quy định về chất lượng, ký hợp đồng với đội đặc nhiệm Nhà Trắng, đàm phán lại hợp đồng để giá trị tăng gần 7 lần.
Năm ngày sau khi hợp đồng được thông báo, nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia kết luận phương pháp dùng ô xy già bốc hơi để khử khuẩn chỉ giúp khẩu trang an toàn khi sử dụng ba lần nữa.