Trong cuộc khảo sát đối với 210 học sinh ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, 89% trong số này, tương đương 187 học sinh, cho biết muốn chia sẻ những ký ức về thảm họa trên đến những người chưa từng trải qua. Các lý do được viện dẫn bao gồm để "ngăn chặn một thảm họa tương tự", để "không quên nỗi buồn" do thảm họa gây ra, hoặc để "bày tỏ lòng biết ơn".
Em Iori Shiga, 17 tuổi, đến từ tỉnh Fukushima, bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà của mình ở tỉnh Chiba, gần Tokyo. Shiga đã chuyển đến chung sống cùng ông bà sau khi phải rời khỏi quê hương vì thảm họa trên. Shiga chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của họ mà chúng em có được như ngày hôm nay". Em chia sẻ muốn "đền đáp" công ơn này bằng cách truyền lại kinh nghiệm của mình cho những người thân nhỏ tuổi hơn.
Khi được hỏi liệu có còn đau đớn khi hồi tưởng về thảm họa trên hay không, 26% học sinh khảo sát, tương đương 54 em, đều có chung câu trả lời là "Có". Các em đưa ra những lý do bao gồm sự thay đổi cơ sở hạ tầng của các thị trấn và thành phố và ký ức về nỗi sợ hãi do hậu quả của trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân. Có 21% học sinh khảo sát, tương đương 45 em, chia sẻ rất miễn cưỡng khi nói về thảm họa trên với bạn bè và gia đình. Một nam sinh đến từ tỉnh Iwate cho biết: "Em không thể nói về thảm họa đó một cách dễ dàng bởi họ có thể đã có những trải nghiệm đầy khó khăn". Tuy nhiên, một số người cho biết có thể "vượt qua" ám ảnh của thảm họa bằng cách nói về nó, trong khi những người khác bày tỏ hy vọng rằng kinh nghiệm cá nhân của họ có thể "hữu ích."
Trận động đất có độ lớn 9,0 kéo theo trận sóng thần đã tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Tổng cộng có 15.899 người đã thiệt mạng, 2.529 người mất tích và khoảng 470,000 người phải sơ tán. Thảm họa này cũng gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.