Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc ngừng thăm dò dầu khí ở Biển Hoa Đông

Nhật Bản lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng các cơ sở phục vụ thăm dò dầu khí ở Biển Hoa Đông giáp ranh với vùng biển mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền, với lo ngại rằng các giàn khoan của Trung Quốc có thể sẽ hút cả lượng dầu nằm trong lãnh thổ Nhật Bản.

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2015 được Nội các nước này thông qua hôm 21/7, sau khi đảng Dân chủ Tự do cầm quyền phản đối bản dự thảo vì nó không nêu bật được những quan ngại về hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã nối lại việc thăm dò dầu khí ở Biển Hoa Đông hai năm trước, báo cáo cho biết. Năm 2012, chính phủ Nhật đã mua lại một chuỗi đảo nhỏ thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do tư nhân quản lý, động thái khiến Trung Quốc tức giận. Trước đó, Bắc Kinh đã có bước đi đơn phương thoát khỏi một hiệp định ký kết với Nhật Bản thập kỉ 1970 về cùng hợp tác thăm dò, phát triển nguồn lợi biển tại vùng tranh chấp.

Nhật Bản xem việc Trung Quốc xây "đảo nhân tạo" ở Biển Đông là nguy cơ gây bất ổn an ninh tại khu vực. Ảnh: Reuters


“Chúng tôi xác nhận rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các kết cấu giàn khoan thăm dò đại dương mới và chúng tôi kiên quyết phản đối hành động đơn phương này, yêu cầu dừng ngay”, Sách Trắng nêu rõ. Các giàn khoan này hiện đang được lắp đặt ở sát đường trung tuyến phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa 2 nước, nằm về phía Trung Quốc. Tokyo lo ngại, số giàn khoan này có thể hút dầu tại các mỏ nằm trong vùng chồng lấn đường trung tuyến, hoặc sử dụng làm các trạm radar, căn cứ cho các máy bay không người lái do thám tại vùng biển tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Sách Trắng quốc phòng có độ dài 500 trang không nêu chi tiết vị trí hay số lượng giàn khoan mà Trung Quốc triển khai. Một nguồn tin ngoại giao nói rằng, dù hai nước chưa phân định xong lãnh hải, nhưng số lượng các cơ sở thăm dò, khai thác khí đốt gần vùng tranh chấp đã tăng từ 4 (năm 2010) lên 12 tại thời điểm hiện nay.

Đáng chú ý, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản lần này cũng đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà Nhật Bản và nhiều nước khác chỉ trích hoạt động xây “đảo nhân tạo” với tốc độ nhanh và trên quy mô lớn của Trung Quốc. Hoạt động phá vỡ nguyên trạng để phục vụ cho yêu sách chủ quyền này là nguy cơ đối với an ninh khu vực – báo cáo nhìn nhận. Lần đầu tiên Sách Trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản cho cập nhật hình ảnh vệ tinh về các đảo nhân tạo này. “Trung Quốc đã đẩy nhanh hoạt động xây đảo nhân tạo tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, xây dựng các công trình, trong đó có cả đường băng và bến cảng, đây là mối quan ngại đối với cộng đồng quốc tế”, tài liệu nêu.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố đòi chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông. Tuy không có tranh chấp tại khu vực này, nhưng Tokyo lo ngại các căn cứ quân sự được xây dựng tại đây có thể là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực vốn là nơi trung chuyển lượng hàng hóa lên đến 5.000 tỉ USD/năm, trong đó có hoạt động giao thương của Nhật. Hôm 17/7, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cho rằng nước này có thể tiến hành các chuyến bay tuần tra, giám sát ở Biển Đông trước việc Trung Quốc ngày một quyết đoán hơn tại vùng biển này - điều mà Trung Quốc sau đó nói họ xem đây là hành động can thiệp.

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản cũng nhắc lại đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp với Hàn Quốc mà Tokyo gọi là Takeshima và Seoul gọi là Dokdo. Ngoài ra, Sách Trắng đề cập tuyên bố của Triều Tiên trong tháng 5 vừa qua khẳng định nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn từ tàu ngầm, đồng thời cho rằng các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng gây ra mối đe dọa lớn đối với an ninh của Nhật Bản.

Về định hướng, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản 2015 nhấn mạnh nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ dựa trên những định hướng hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi hồi tháng 4 vừa qua, nhằm đối phó với sự “quyết đoán” của Trung Quốc ở trên biển và trên không, cũng như mối nguy từ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Cùng với đó, Tokyo cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các quốc gia ven biển khác tại khu vực như Australia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines.

Trong một phản ứng quốc tế đầu tiên, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng Hàn Quốc Pak Chon Kyu đã gửi công hàm tới Tùy viên quốc phòng Nhật Bản tại thủ đô Seoul, Đại tá Goto Nobuhisa phản đối nội dung Sách Trắng đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima.

Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản ứng về nội dung Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản năm 2015 liên quan các hoạt động của Trung Quốc. Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố những phản đối của Nhật Bản đối với các hoạt động trên biển của Trung Quốc là "vô căn cứ và Trung Quốc không chấp nhận đòi hỏi vô lý của Nhật Bản".

Sách Trắng quốc phòng được Chính phủ Nhật Bản công bố trong bối cảnh Hạ viện nước này vừa thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi, theo đó cho phép thực thi những thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Hoài Thanh (Theo Reuters, Asian Nikkei)
Nhật Bản, Mỹ có thể phối hợp tuần tra trên Biển Đông
Nhật Bản, Mỹ có thể phối hợp tuần tra trên Biển Đông

Tờ “The Wall Street Journal” của Mỹ cho biết Nhật Bản có thể liên kết với Mỹ để tiến hành hoạt động tuần tra thường xuyên ở Biển Đông, kể cả các hoạt động chống tàu ngầm, nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN