Năm nay, Chính phủ Nhật Bản không còn tổ chức lễ tưởng niệm quốc gia, nhưng chính quyền địa phương ở những nơi bị ảnh hưởng thảm họa này vẫn tổ chức các lễ tưởng niệm ở quy mô nhỏ.
Vào đúng 14h 46', một hồi còi tầm đã vang lên ở nhiều địa phương trên khắp đất nước Nhật Bản, đánh dấu thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng xảy ra cách đây 11 năm. Trận động đất đó có độ lớn 9 đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản.
Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) cho thấy thảm họa động đất - sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.900 người và khiến 2.523 người bị mất tích, chủ yếu là ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Bên cạnh đó, theo Cơ quan Tái thiết Nhật Bản, tính đến tháng 9/2021, có tới 3.784 người khác bị chết vì các nguyên nhân có liên quan tới thảm họa này như bệnh tật hoặc tự tử vì trầm cảm. Ngoài ra, động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản.
11 năm sau thảm họa, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh sơ tán và lệnh cấm đi lại tới nhiều khu vực cấm tiếp cận sau các sự cố hạt nhân Fukushima. Tuy nhiên, cho tới tháng 2/2022, vẫn còn 38.139 người chưa thể về nhà sau thảm họa.
Đối với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất tại thời điểm hiện tại là xử lý nước đã được sử dụng để làm mát các lò phản ứng bị hư hại.
TEPCO dự định sẽ xây dựng một tuyến đường hầm dài 1km để xả nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ này ra biển từ mùa Xuân năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải phản ứng của người dân địa phương và một số nước trong khu vực.