Nhật Bản: Tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực ở Aichi và Gifu

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 12/5, tình trạng khẩn cấp đã bắt đầu có hiệu lực tại các tỉnh Aichi ở miền Trung và tỉnh Fukuoka ở phía Nam của Nhật Bản.

Đây là hai tỉnh mới được Chính phủ Nhật Bản bổ sung vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Nagoya, Nhật Bản, ngày 8/5/2021. Ảnh: Kyoto/TTXVN

Như vậy, cho đến nay, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành, trong đó ngoài Aichi và Fukuoka, còn có thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5. Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hàng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa. Tuy nhiên, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Nhật Bản đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch khi chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn và rạp chiếu phim rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả tham gia.

Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành, Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 8 tỉnh khác, gồm 3 tỉnh giáp Tokyo là Saitama, Chiba và Kanagawa, tỉnh Ehime giáp Osaka, tỉnh Okinawa ở cực Nam, tỉnh Hokkaido ở cực Bắc, và các tỉnh Gifu và Mie ở miền Trung. Các tỉnh Hokkaido, Gifu và Mie đều mới được bổ sung vào danh sách này hôm 9/5, trong khi tỉnh Miyagi ở Đông Bắc được loại khỏi danh sách hôm 11/5.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh sẽ sớm lắng dịu ở Nhật Bản. Ngày 11/5, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm 6.244 ca nhiễm mới, trong đó Osaka có 974 ca và Tokyo có 925 ca, và 113 ca tử vong vì dịch COVID-19, trong đó riêng Osaka có 55 ca, cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 4 liên tiếp lên 1.176 ca, tăng 24 ca so với một ngày trước đó. Hệ thống y tế ở Osaka đang cực kỳ căng thẳng khi tỷ lệ chiếm giường dành cho các bệnh nhân nguy kịch đã tăng vượt ngưỡng 158%.

Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh, Cục Văn hóa Nhật Bản đã quyết định tiếp tục đóng cửa các cơ sở văn hóa do nhà nước quản lý ở Tokyo như Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật hiện đại, Trung tâm nghệ thuật quốc gia và Bảo tàng quốc gia ở Tokyo. Ban đầu, cơ quan này dự kiến sẽ cho phép các cơ sở văn hóa quốc gia mở cửa trở lại vào ngày 12/5 nhưng đã thay đổi kế hoạch theo yêu cầu của chính quyền Tokyo.

Đào Thanh Tùng (TTXVN)
Nhật Bản sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 12-15 tuổi
Nhật Bản sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 12-15 tuổi

Ngày 11/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Katsunobu Kato cho biết nước này đã bắt đầu chuẩn bị tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) cho nhóm thiếu niên trong độ tuổi từ 12-15, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người trẻ tuổi đang gia tăng tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN