Nhật Bản tăng chức năng trên biển của lực lượng phòng vệ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ xác định rõ việc tăng cường các chức năng hàng hải của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong báo cáo tạm thời kế hoạch điều chỉnh vào cuối năm nay về chính sách quốc phòng dài hạn của nước này.

Xe quân sự của SDF trong một cuộc tập trận ngày 17/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Động thái này nhấn mạnh đến việc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng bảo vệ các hòn đảo xa của SDF, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát trên Biển Hoa Đông (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Báo cáo tạm thời về Đường lối Chương trình Quốc phòng của Nhật Bản dự kiến được công bố vào cuối tháng này.

Hiện Nhật Bản chưa có nhánh SDF nào tương xứng như lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ, với nhiệm vụ đổ bộ lên địa hình do đối phương kiểm soát, bằng đường không và đường biển, do Nhật Bản vốn chỉ tập trung vào thế trận quốc phòng có định hướng.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Akinori Eto sẽ tới Mỹ vào cuối tháng này để tham vấn về những kết quả đạt được trong việc điều chỉnh chính sách quốc phòng dài hạn của Nhật Bản, trong đó có việc tăng cường các chức năng của SDF trên biển.

Động thái của Nhật Bản có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, do việc tăng cường chức năng trên biển có thể được coi là câu trả lời của Tokyo trước vấn đề Senkaku.

Trong một diễn biến khác, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngày 14/7, lần đầu tiên từ trước đến nay một hạm đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã băng qua một eo biển quốc tế nằm giữa miền Bắc Nhật Bản và miền Viễn Đông Nga. Đó là Eo biển Soya, còn được gọi là kênh La Perouse, chia tách đảo Sakhalin của Nga với đảo Hokkaido vùng cực Bắc Nhật Bản.

Hạm đội Trung Quốc bao gồm hai tàu khu trục trang bị tên lửa, hai hộ tống hạm và một tàu tiếp liệu từ vùng biển Nhật Bản. Năm chiếc tàu này đã tham gia cuộc tập trận hải quân với Nga từ ngày 5 - 12/7 ngoài khơi cảng Vladivostok, miền Viễn Đông Nga.


Hai tàu hải quân Trung Quốc khác, vốn cũng tham gia cuộc tập trận, đã đi về hướng Biển Hoa Đông ngày 13/7.

Theo hãng tin Kyodo, một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận rằng mục đích của hạm đội Trung Quốc khi băng qua Eo biển Soya vẫn chưa được biết, song vào ngày 13/7, đã có một hạm đội hải quân Nga gồm 16 chiếc tàu đi qua Eo biển Soya để tiến vào biển Okhotsk.

Mới đây, Trung Quốc và Nga vừa tổ chức một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp lần thứ hai, trong bối cảnh khu vực càng lúc càng lo ngại trong về sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc.


T.N

Nhật Bản quan ngại hành động mạnh mẽ của Trung Quốc

Ngày 9/7, Nhật Bản đã công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những quan ngại về các hành động hàng hải mạnh mẽ của Trung Quốc và chương trình hạt nhân tranh cãi của CHDCND Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN