Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kể từ ngày 21/5, Nhật Bản sẽ đưa thêm 10 quốc gia vào danh sách siết chặt kiểm soát nhập cảnh để phòng chống đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin những người đến từ 10 quốc gia trên sẽ phải cách ly tại các cơ sở chỉ định trong vòng 3 ngày sau khi tới Nhật Bản để chứng minh họ không nhiễm virus SARS-CoV-2. Riêng đối với những người đến từ Bangladesh, Sri Lanka và Maldives trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản, thời gian cách ly bắt buộc là 6 ngày. Sau đó, họ sẽ phải tiếp tục cách ly tại nơi cư trú. Tổng thời gian cách ly của hai nhóm đối tượng trên là 14 ngày. Ngoài quy định trên, những người đến Nhật Bản phải nộp các giấy chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và được tiếp tục xét nghiệm ngay khi tới nước này.

Trước đó, kể từ ngày 14/5, Nhật Bản đã cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã từng đến Ấn Độ, Nepal hoặc Pakistan trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với người nước ngoài có thị thực vĩnh trú (thị thực cho phép người được cấp có quyền lưu trú, sinh sống ở Nhật trọn đời mà không bị giới hạn về thời gian và hoạt động cư trú) ở Nhật Bản và gia đình của họ, vợ/chồng hoặc con cái của các công dân Nhật Bản đã rời Nhật Bản trước ngày 13/5, với giấy phép tái nhập quốc. Ngoài ra, lệnh cấm này cũng không áp dụng đối với các công dân nước ngoài có tư cách vĩnh trú đặc biệt ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng người nhập cảnh vào Nhật Bản không chấp hành nghiêm quy định tự cách ly, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, bao gồm biện pháp gọi điện qua ứng dụng điện thoại thông minh (video call).

Người nhập cảnh sẽ được hướng dẫn cài đặt và đăng nhập vào một ứng dụng khai báo thông tin trên điện thoại thông minh ngay tại sân bay hoặc tại cơ sở lưu trú do nhà nước quản lý. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các cuộc gọi video call để xác nhận tình trạng chấp hành cách ly của người nhập cảnh. Trường hợp không thể kết nối được cuộc gọi, cảnh sát địa phương sẽ được liên hệ để đến trực tiếp kiểm tra tại địa điểm đăng ký cách ly.

Đối tượng trọng điểm cần tập trung xác minh là người nhập cảnh từ Ấn Độ và các nước lân cận, nơi dịch do virus SARS-CoV-2 chủng đột biến đang diễn biến nghiêm trọng. Nếu người nhập cảnh không hợp tác, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ công khai danh tính của họ lên phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ thị trên được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng nhiều ca mắc COVID-19 mới không rõ nguồn  lây nhiễm và nguy cơ cao xuất phát từ người nhập cảnh. Thực tế cho thấy hơn 30% người nhập cảnh không khai báo thông tin trên ứng dụng điện thoại thông minh, gây khó khăn cho việc kiểm soát quá trình cách ly sau nhập cảnh.

Ở một diễn biến khác, tình hình lây lan dịch bệnh COVID-19 tại Nhật Bản có chiều hướng giảm nhẹ sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng ở một số địa phương trọng điểm. Trong ngày 18/5, quốc gia Đông Bắc Á này ghi nhận 5.230 ca mắc mới, giảm đáng kể so với 5 ngày trước đó. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 216 ca. Tuy nhiên, số ca nguy kịch vẫn ở mức cao kỷ lục - 1.235 người. Điều này đang tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế của một số khu vực ở Nhật Bản. Theo đài truyền hình NHK, các cơ sở y tế tại 9 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản đang trong tình trạng quá tải. 

Ngày 18/5, chính quyền thủ đô Tokyog đã công bố tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 chủng đột biến “N501Y” là 77%. Cụ thể, trong số 542 ca mắc COVID-19 xét nghiệm ngày 13/5 có 413 ca nhiễm biến thể “N501Y”, vốn có khả năng lây nhiễm nhanh hơn thể thông thường.                

Đào Thanh Tùng - Phạm Tuân (TTXVN)
30 năm bỏ mặc ngành vaccine, Nhật Bản phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine ngoại nhập
30 năm bỏ mặc ngành vaccine, Nhật Bản phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine ngoại nhập

Không thể xoá tan sự hoài nghi của công chúng về tác dụng phụ do tiêm chủng gây ra suốt 30 năm qua, giờ đây, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine ngoại nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN