30 năm bỏ mặc ngành vaccine, Nhật Bản phải phụ thuộc hoàn toàn vào vaccine ngoại nhập

Không thể xoá tan sự hoài nghi của công chúng về tác dụng phụ do tiêm chủng gây ra suốt 30 năm qua, giờ đây, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine ngoại nhập.

Chú thích ảnh
Người cao tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Theo trang Nikkei Asia, khi cả thế giới đang gấp rút phát triển vaccine COVID-19, không có bất kỳ loại vaccine nào của Nhật Bản được phê duyệt. Quốc gia này dường như đã tụt lại phía sau Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia khác trong cuộc đua chế tạo vaccine COVID-19.

“Chúng tôi chưa chứng kiến sự bùng nổ dịch COVID-19 tương tự như ở Mỹ và châu Âu. Chúng tôi có thể quan sát tính an toàn và hiệu quả của vaccine nước ngoài trước khi đưa chúng vào Nhật Bản”, một quan chức phụ trách giám sát dược phẩm của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết. 

Trong suốt thập niên 1980, Nhật Bản được biết đến là quốc gia sở hữu công nghệ vaccine hàng đầu thế giới trong điều trị bệnh thủy đậu, viêm não và ho gà. Những công nghệ này sau đó đã được nhượng quyền cho Mỹ và các nước khác.

Tuy nhiên, hoạt động phát triển vaccine tại Nhật Bản gần như chững lại hoàn toàn sau phán quyết tòa án năm 1992 yêu cầu chính phủ bồi thường cho người dân gặp tác dụng phụ sau khi tiêm chủng. 

Tại Nhật Bản, việc tiêm chủng đã không còn là bắt buộc sau khi nước này sửa đổi luật vào năm 1994. Kể từ đó, tỉ lệ tiêm chủng tại đây đã giảm rõ rệt khi các bậc phụ huynh ngày càng lo lắng hơn về các tác dụng phụ của vaccine. 

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng AIDS cũng có tác động tiêu cực đến tỉ lệ tiêm chủng của nước này. Năm 1996, một quan chức bộ y tế Nhật Bản bị kết tội ngộ sát do cẩu thả sau bê bối liên quan đến sản phẩm máu nhiễm HIV. Bất chấp nỗ lực quy rõ trách nhiệm, vụ việc vẫn khiến giới chức nước này lo ngại nếu xảy ra sai sót, họ sẽ phải gánh chịu trách nhiệm nặng nề.

Gần đây hơn, Nhật Bản đã ngừng khuyến nghị sử dụng vaccine phòng virus HPV sau khi các phương tiện truyền thông báo cáo về tác dụng phụ, làm dấy lên nhiều lo ngại, dù vaccine này được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài như một biện pháp bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên tham gia một buổi tập dượt tiêm vaccine ở Tokyo. Ảnh: Reuters 

Bên cạnh việc người dân thiếu niềm tin vào vaccine, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với vấn đề “khoảng trống vaccine”. Tại Mỹ và châu Âu, quy trình phê duyệt một sản phẩm chỉ kéo dài vài năm, nhưng ở Nhật Bản, việc này mất đến hơn 10 năm. Bộ Y tế Nhật Bản từng cấp phép đặc biệt cho vaccine Pfizer để tiêm cho người cao tuổi, nhưng quy trình cấp phép này chỉ áp dụng với vaccine nước ngoài.

Ngược lại, Mỹ đã tăng tốc nỗ lực phát triển vaccine từ sau các đợt bệnh than tấn công hồi năm 2001. Khi một cuộc khủng hoảng sức khỏe công cộng xảy ra ở Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh sẽ phối hợp ứng phó với các tổ chức nghiên cứu và các công ty dược phẩm. Cơ quan này còn hỗ trợ kinh phí phát triển, thử nghiệm lâm sàng cũng như phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Thị trường vaccine toàn cầu đang tăng trưởng gần 7% hàng năm. Các loại vaccine mới sẽ được phát triển bất cứ khi nào xuất hiện một căn bệnh virus nguy hiểm mới, chẳng hạn như hội chứng hô hấp Trung Đông MERS hoặc Ebola. Công nghệ mRNA sử dụng trong vaccine cũng đã được nghiên cứu suốt 20 năm và hiện đang được áp dụng để phòng bệnh COVID-19.

Trong khi đó, những công ty tư nhân ở Nhật Bản khó có thể tự giải quyết vấn đề này vì thiếu động lực thúc đẩy việc phát triển, mua, hoặc dự trữ vaccine. “Có khoảng trống trong vaccine vì vẫn còn khoảng trống trong chính sách”, Tetsuo Nakayama, Giáo sư tại Đại học Kitasato, Tokyo, nhận định.

Điển hình là trường hợp của UMN Pharma, công ty công nghệ sinh học Nhật Bản áp dụng công nghệ mới phát triển vaccine cúm. Công ty này đã từng chi hơn 100 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng đơn xin cấp phép của công ty bị từ chối vào năm 2017 với lý do là sản phẩm “thiếu tầm quan trọng lâm sàng” so với các loại vaccine hiện có.

UMN Pharma hiện có tổng tài sản âm và thuộc sở hữu của Shionogi - một công ty dược phẩm Nhật Bản khác. Vaccine do UMN Pharma chế tạo đã được phê duyệt ở Mỹ. Điều này khiến một số người trong ngành công nghiệp vaccine Nhật Bản đặt câu hỏi liệu còn ai muốn chế tạo vaccine mới trong nước hay không.

Chú thích ảnh
Một quan chức Nhật Bản tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters. 

Không chỉ có vậy, công nghệ và tài năng nghiên cứu của Nhật Bản cũng đang "chảy" ra nước ngoài.

“Nhật Bản có rất nhiều quy định nhưng lại có hệ thống hỗ trợ yếu kém”, một chuyên gia virus nói. Quốc gia này chỉ có hai cơ sở nghiên cứu về những loại virus nguy hiểm nhất. Nhưng một trong hai cơ sở này đã lâu không hoạt động cho đến gần đây, do trước đó bị người dân địa phương phản đối.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu vaccine tại Nhật Bản cũng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định phức tạp thuộc nhiều bộ ngành. Thí nghiệm liên quan tới chỉnh sửa gene bị giới hạn trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Trong khi châu Âu đã miễn áp dụng Nghị định thư Cartagena đối với các công ty dược phẩm, còn Mỹ chưa phê chuẩn văn bản này.

Một trong những lý do khác khiến việc phát triển vaccine của Nhật Bản bị thụt lùi chính là các nhà sản xuất Nhật Bản bỏ qua thị trường trong nước. Ví dụ, Takeda Pharmaceutical không có kế hoạch xin cấp phép cho vaccine sốt xuất huyết của mình tại Nhật Bản. Điều tương tự cũng xảy ra với vaccine sản xuất từ lá cây thuốc lá của công ty Mitsubishi Tanabe Pharma.

Trước mắt, Tokyo đã nhanh chóng chỉ định một bộ trưởng phụ trách về vaccine COVID-19. Nhưng các sản phẩm do AnGes, Shionogi, và các công ty khác của Nhật Bản dự kiến sẽ không được phê duyệt trước năm 2022.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hai tháng trước Thế vận hội, vì sao Nhật Bản vẫn tiêm chủng COVID-19 chậm chạp
Hai tháng trước Thế vận hội, vì sao Nhật Bản vẫn tiêm chủng COVID-19 chậm chạp

Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7, nhưng hai tháng trước sự kiện này, Nhật Bản mới chỉ tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1% dân số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN