Hai tháng trước Thế vận hội, vì sao Nhật Bản vẫn tiêm chủng COVID-19 chậm chạp

Olympic Tokyo dự kiến khai mạc vào ngày 23/7, nhưng hai tháng trước sự kiện này, Nhật Bản mới chỉ tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 1% dân số.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho người cao tuổi ở tỉnh Nagano, Nhật Bản. Ảnh: AFP/Getty Images 

Theo hãng tin AP, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 từ giữa tháng 2 năm nay, vài tháng sau Mỹ và nhiều nước khác. Khi đó, giới chức đổ lỗi chậm trễ là do thiếu vaccine Pfizer. Nhưng ba tháng sau, khi các chuyến hàng đã bàn giao ổn định và chiến dịch được đẩy mạnh, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia ít được bảo vệ nhất trước đại dịch.

Giới chức Nhật Bản cho biết vấn đề nằm ở tình trạng thiếu nghiêm trọng nhân viên được huấn luyện để có thể tiêm vaccine cho người dân. Thủ tướng Yoshihide Suga cam kết toàn bộ người dân đủ điều kiện sẽ được tiêm đầy đủ vào cuối tháng 9, nhưng một số quan chức e ngại thời điểm đó có thể bị lùi tới năm 2022. Việc Nhật Bản đạt được miễn dịch cộng đồng trước khi Thế vận hội Mùa hè Tokyo bắt đầu được cho là bất khả thi.

Hiện còn chưa rõ liệu hệ thống y tế đã bị kéo căng của Nhật Bản có thể xử lý thêm cả lượng du khách đổ tới nhân dịp Olympic hay không trong khi còn chật vật tiêm chủng và điều trị cho bệnh nhân địa phương.

Lúc này chính phủ của Thủ tướng Suga đang đối mặt với áp lực nặng nề từ công chúng vốn ngày càng thất vọng vì việc triển khai vaccine chậm chạp cộng với việc liên tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì các ca lây nhiễm tăng. Nhiều người đang phản đối tổ chức Thế vận hội Tokyo 2021.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên tham gia một buổi tập dượt tiêm vaccine ở Tokyo. Ảnh: Reuters 

Tại sao tiêm chủng bị trì hoãn?

Chiến dịch tiêm chủng ở Nhật Bản ban đầu khởi đầu chậm là do nước này yêu cầu thử nghiệm lâm sàng ở trong nước, bất chấp Pfizer đã thử nghiệm với số lượng lớn ở các quốc gia khác.

Hàng chục quốc gia đã chấp nhận kết quả thử nghiệm đa quốc gia do Pfizer cung cấp vào tháng 11/2020 và triển khai tiêm chủng ngay. Trong khi đó, cuộc thử nghiệm bổ sung tại Nhật Bản khiến nước này mất thêm vài tháng nữa, mặc dù chính phủ đã đẩy nhanh thủ tục phê duyệt vaccine.

Dự kiến vaccine của Moderna sẽ được Tokyo phê chuẩn vào cuối tháng 5 này sau một quy trình tương tự, trước khi đưa vào sử dụng tại hai trung tâm tiêm chủng quy mô lớn ở Tokyo và Osaka. Thủ tục phê duyệt vaccine AstraZeneca hiện vẫn đang phải chờ đợi.

Vì sao Nhật Bản đòi hỏi thêm dữ liệu?

Người dân Nhật Bản thường thận trọng với các loại dược phẩm do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là vaccine, và giới chức cho biết họ cần phải giải quyết triệt để những lo ngại về an toàn.

Các cuộc thử nghiệm quốc tế của Pfizer được thực hiện từ tháng 7-11/2020 trên khoảng 44.000 người ở 6 quốc gia, trong đó có khoảng 2.000 người châu Á. Sau đó, Nhật Bản lại yêu cầu thử nghiệm thêm ở 160 người Nhật, gây ra chỉ trích rằng việc thử nghiệm với số lượng nhỏ như vậy không đóng góp thêm được gì ngoài việc làm chậm trễ tiến độ.

Thủ tướng Suga gần đây thừa nhận cần phải điều chỉnh các quy tắc để đối phó với tình huống khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Suga được tiêm phòng COVID-19. Ảnh: Japan Times

Tại sao người Nhật thiếu tin cậy vào vaccine

Sự thiếu tin tưởng của người Nhật Bản vào vaccine đã tồn tại từ hàng thập kỷ qua, một phần là do các tác dụng phụ thường xảy ra.

Vào những năm 1990, chính phủ đã loại bỏ quy định tiêm chủng bắt buộc sau khi một phán quyết của toà án quy trách nhiệm về các tác dụng phụ liên quan đến một số loại vaccine.

Gần đây hơn, Nhật Bản đã ngừng khuyến nghị sử dụng vaccine phòng virus HPV sau khi các phương tiện truyền thông báo cáo về tác dụng phụ, làm dấy lên nhiều lo ngại, dù vaccine này được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài như một biện pháp bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung.

Chú thích ảnh
Một lô hàng vaccine Moderna được chuyển giao cho Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đủ vaccine - thiếu nhân viên y tế

Hoạt động tiêm phòng COVID-19 ở Nhật Bản bắt đầu vào tháng 2 và tới nay chỉ khoảng 1% dân số được tiêm đầy đủ. Không đầy 1/3 trong tổng số 4,8 triệu nhân viên y tế được tiêm mũi thứ hai.
Việc tiêm vaccine cho 36 triệu người cao tuổi chỉ bắt đầu vào giữa tháng 4 và khoảng nửa triệu người đã tiêm mũi đầu.

Nhật Bản đã đảm bảo cung cấp 344 triệu liều vaccine COVID-19, đủ cho toàn bộ dân số của mình, vào cuối năm nay. 

Các lô hàng vaccine được nhận vào tháng 5 và dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, có khoảng 7 triệu liều đang trữ trong tủ đông, xoá đi những lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu nguồn cung.

Lúc này, vấn đề khó khăn hơn với Nhật Bản không phải là nguồn cung vaccine mà là thiếu nhân viên y tế để thực hiện các mũi tiêm. Trong văn hoá y tế khá bảo thủ của Nhật Bản, chỉ có bác sĩ và y tá mới được phép tiêm vaccine cho người khác.

Các nha sĩ sẵn sàng giúp đỡ và nhận uỷ quyền nhưng lại chưa được kêu gọi. Việc cho phép dược sĩ tại các hiệu thuốc tiêm vaccine như ở Mỹ, hoặc các tình nguyện viên đào tạo ngắn hạn như ở Anh là điều không tưởng ở Nhật Bản.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Bên trong mạng lưới quy mô phát tán thông tin sai lệch về vaccine
Bên trong mạng lưới quy mô phát tán thông tin sai lệch về vaccine

Các chuyên gia y tế cộng đồng cho biết hành động phát tán những thông tin sai lệch về vaccine đã làm suy yếu nỗ lực tiêm chủng ngăn chặn đại dịch của toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN