Đây là biện pháp kiểm soát biên giới phạm vi rộng nhất mà Nhật Bản áp dụng cho đến nay nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các nước châu Âu nói trên gồm Andorra, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Italy, Liechtenstein, Luxembourg, Malta, Monaco, Hà Lan, Na Uy, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vatican. Theo đó, người nước ngoài từng đến những nước trên trong vòng 14 ngày trước khi đến Nhật Bản sẽ không được nhập cảnh. Một nguồn tin chính phủ cho biết nhóm đặc trách do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trí sẽ sớm thông qua lần cuối trước khi quyết định trên có hiệu lực.
Trước đó, ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại lên mức 3, theo đó khuyến cáo công dân tránh các chuyến đi không cần thiết đến những nước trên, một động thái tiến đến lệnh cấm nhập cảnh.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết tính đến 11h ngày 24/3 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.141 người, chưa kể 710 ca mắc trên tàu Diamond Princess được cách ly tại cảng Yokohama. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm các trường hợp trên tàu du lịch này. Tổng cộng 872 người đã bình phục và xuất viện trong khi 64 bệnh nhân được cho là đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) có kế hoạch bố trí lại các nhân viên không trọng yếu từ Iraq và Afghanistan trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds chiều 23/3 thông báo tất cả các nhân viên không trọng yếu của ADF ở Iraq và Afghanistan sẽ tạm thời được triệu tập về căn cứ chính của nước này ở Trung Đông và một số sẽ rút về Australia. Bà Reynolds cho biết thêm biện pháp tạm thời này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các đối tác của Australia, hạn chế sự lây lan của COVID-19 tại những khu vực hoạt động. Nhà chức trách Australia sẽ thường xuyên xem xét tình trạng hoạt động của lực lượng phòng vệ và các hoạt động huấn luyện sẽ được nối lại khi vấn đề an toàn sức khỏe được đảm bảo.
Quyết định trên được đưa ra sau khi ADF chuẩn bị ngừng sứ mệnh huấn luyện ở Trung Đông để đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Trước đó cùng ngày 23/3, bà Reynolds cho biết ADF sẽ triển khai lực lượng trên lãnh thổ Australia để hỗ trợ hoạt động hậu cần, vận tải, y tế và lên kế hoạch tổng thể trong bối cảnh áp lực đối với hệ thống y tế công của nước này tăng cao tới mức chưa từng thấy do dịch COVID-19.