Ngoại trưởng Motegi nêu vấn đề trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” ở Biển Đông. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án tất cả hành động làm leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Từ đầu năm đến nay, các tàu Trung Quốc đã 7 lần xâm phạm vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lần gần đây nhất xảy ra ngày 17/4 khi 4 tàu hải cảnh đi vào khu vực này và ở lại đây khoảng 90 phút trước khi rời đi.
Hôm 11/4, tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu khu trục tên lửa khác của Trung Quốc đã đi qua vùng biển nằm giữa đảo lớn Okinawa và đảo Miyako khi tiến từ Biển Hoa Đông ra Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono chỉ trích hành động này của Trung Quốc là gây sức ép về quân sự đối với Nhật Bản.
Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này. Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo trên.
Thời gian gần đây, quan hệ hai nước đang có những tiến triển tích cực để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, sau khi chuyến thăm này bị hoãn lại do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tình hình tại khu vực tranh chấp có dấu hiệu phức tạp trở lại.