Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong hội nghị nhóm các chuyên gia của MHLW ngày 1/6, các số liệu được thống kê cho thấy xu hướng giảm số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc so với đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm thứ 5 vào năm ngoái là khá rõ, ngay cả tại các đô thị lớn như Vùng thủ đô, tỉnh Osaka hay tỉnh Okinawa. Tính đến ngày 31/5, số ca mắc mới COVID-19 trung bình trong cả nước giảm 0,73 lần so với tuần trước, trong khi tỷ lệ người mắc COVID-19 trên 100.000 người dân trung bình trong cả nước chỉ là 137,8, thấp hơn đáng kể so với trước đó một tuần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên chủ quan vì trong khi hầu hết các nhóm tuổi đều giảm số ca mắc mới COVID-19 thì tại một số khu vực, số lượng người cao tuổi (trên 80 tuổi) mắc COVID-19 vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, số người hoạt động vào chập tối đến nửa đêm ở các trung tâm đô thị đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái, do đó nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các địa điểm giải trí và nhà hàng là không thể xem nhẹ.
Liên quan đến các di chứng hậu COVID-19, nhóm chuyên gia y tế đã công bố số liệu khảo sát của Đại học Keio cho thấy khoảng 30% bệnh nhân mắc COVID-19 được hỏi cảm thấy mệt mỏi, khó thở sau khi đã khỏi bệnh. Khảo sát được thực hiện đối với 1.066 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên tại 27 cơ sở y tế trên toàn quốc từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021. Triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (13%), khó thở (9%), giảm chức năng vận động (8%), rối loạn giấc ngủ (7%), rối loạn trí nhớ (7%). Các di chứng này có xu hướng giảm dần theo theo thời gian nhưng tốc độ giảm tương đối chậm.
Hội nghị cũng thống nhất nhận định rằng tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản sẽ tiếp đà diễn biến tích cực trong thời gian tới và khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi thấy cơ thể mệt mỏi, sốt cao, cũng như tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang, tránh nơi đông người.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cố vấn y tế của chính phủ cho rằng, việc áp dụng các biện pháp phòng dịch quá mức có thể ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ hội vui chơi và học tập của trẻ em. Các nhà trường không nhất thiết phải yêu cầu đeo khẩu trang hoàn toàn nếu các học sinh đều khỏe mạnh mà chỉ xem xét áp dụng tại các sự kiện tập trung đông người trong không gian kín như lễ khai giảng, tốt nghiệp.
Trả lời trước báo giới ngày 1/6 sau khi Nhật Bản tăng gấp đôi giới hạn về số người nhập cảnh mỗi ngày, tương đương 20.000 người/ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, chính phủ nước này sẽ cố gắng cân bằng giữa phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Trong khi đó, theo nguồn tin từ quan chức chính phủ, giới hạn này có thể tiếp tục được nâng lên 30.000 người/ngày từ ngày 1/7 và sẽ sớm xem xét bãi bỏ hoàn toàn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xu hướng tích cực như hiện nay.