Nhật Bản nâng cấp tiêu chuẩn an toàn hạt nhân

Chính phủ Nhật Bản ngày 30/3 đã ra lệnh nâng cấp tiêu chuẩn an toàn tại 55 lò phản ứng hạt nhân của nước này sau khi thừa nhận rằng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn để bảo vệ các nhà máy trước thảm họa động đất, sóng thần.

Kiểm tra mức độ phóng xạ trong không khí ở tỉnh Fukushima. 
Ảnh: AFP/TTXVN


Trong một bức thư gửi tổng giám đốc các công ty điện lực điều hành 55 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, ông Banri Kaieda, đã yêu cầu các công ty này kiểm tra toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân để đảm bảo không lặp lại sự cố như ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Ông Banri Kaieda nhấn mạnh, mọi lò phản ứng đang sử dụng phải được kiểm tra ngay lập tức; không một lò phản ứng nào được phép hoạt động nếu chưa qua kiểm tra. Các công ty phải đảm bảo có nguồn điện dự phòng trong trường hợp mất điện, triển khai xe cứu hỏa nhằm cấp nước cho các lò phản ứng và bể chứa các thanh nhiên liệu khi hệ thống làm mát của các lò phản ứng gặp sự cố, tổ chức diễn tập để nhân viên có thể sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp và xây tường chắn sóng biển cao hơn. Ông Banri Kaieda cho rằng, đây là những biện pháp tối thiểu có thể thực hiện ngay lúc này.

Trong khi đó, sự cố rò rỉ phóng xạ tại Fukushima 1 đang diễn biến phức tạp. Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 30/3 dẫn lời Chủ tịch Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO) – đơn vị vận hành nhà máy Fukushima 1, ông Tsunehisa Katsumata cho biết, sẽ loại bỏ các lò phản ứng 1, 2, 3 và 4 của Fukushima 1, do “không có lựa chọn nào khác”. Hiện sự cố ở các hệ thống làm mát của 4 lò phản ứng này vẫn chưa khắc phục được và các chất phóng xạ đã từ đây rò rỉ ra ngoài.

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tan hoang sau thảm họa động đất, sóng thần (ảnh chụp từ máy bay không người lái của Cơ quan chụp ảnh trên không ngày 24/3). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho rằng cần phải loại bỏ tất cả 6 lò phản ứng của Fukushima 1. Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia đang cân nhắc phương án phủ lên các tòa nhà có lò phản ứng bên trong bằng một nguyên liệu đặc biệt để ngăn không cho chất phóng xạ phát tán rộng. Các chuyên gia cũng đang xem xét việc sử dụng một tàu chở dầu để thu hồi nước bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy này.

Cũng trong ngày 30/3, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân (NISA) của Nhật Bản đã phát hiện hàm lượng phóng xạ iodine-131 cao gấp 3.355 lần mức cho phép trong nước biển gần khu vực nhà máy Fukushima 1. Tuy nhiên, NISA khẳng định, nước nhiễm xạ không ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe của con người, do chính phủ đã ra lệnh cấm đánh bắt thủy hải sản trong bán kính 20 km tính từ nhà máy và các chất phóng xạ phát thải sẽ "giảm đáng kể" ở thời điểm mà các loài động thực vật ở biển cũng như con người hấp thụ.

Trong nỗ lực khống chế sự cố ở Fukushima 1, Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa tới nhà máy này loại rôbốt có khả năng chịu được mức phóng xạ cao để làm nhiệm vụ dọn dẹp đống đổ nát sau vụ nổ các toà nhà chứa lò phản ứng - nơi con người không thể tiếp cận do mức phóng xạ quá cao. Ngoài ra, Bộ Năng lượng còn gửi khoảng 40 nhân viên cùng hơn 7 tấn thiết bị tới Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan trong cuộc điện đàm ngày 30/3 đã nhất trí thành lập 4 nhóm công tác trực thuộc Hội đồng liên lạc và điều phối chung để xử lý sự cố tại Fukushima 1, gồm: Nhóm ngăn chặn nguyên liệu phóng xạ phát tán ra ngoài; Nhóm xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân để ổn định tình hình tại Fukushima 1 trong trung hạn; Nhóm làm ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân trong dài hạn; và Nhóm trợ giúp y tế và hỗ trợ cuộc sống cho người dân sống gần nhà máy.


Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản) - Thùy Dương

IAEA yêu cầu họp cấp cao về an toàn hạt nhân
IAEA yêu cầu họp cấp cao về an toàn hạt nhân

Ngày 29/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã yêu cầu tổ chức một hội nghị quốc tế cấp cao trong vòng ba tháng tới nhằm củng cố các biện pháp an toàn và cách thức ứng phó khẩn cấp liên quan đến cuộc khủng hoảng tại các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN