Nỗ lực tưới nước xuống các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của các lò phản ứng hạt nhân gặp rắc rối tại nhà máy điện hạt nhân Phưcưsima số 1 (Fukushima No.1) đã chứng tỏ hiệu quả, trong khi nguồn điện cũng đã được nối lại một phần ở nhà máy này.
Lính cứu hỏa Nhật Bản phun nước làm nguội lò phản ứng số 3 của nhà máy điện Fukushiman ngày 18/3. |
Theo Sở Cứu hỏa Tôkiô, việc tưới nước vào bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 3 đã được thực hiện liên tục hơn 13 giờ đồng hồ đến tận 3:40 phút sáng 20/3 (giờ địa phương). Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng có kế hoạch tưới nước vào một bể tương tự ở lò phản ứng số 4.
Cho đến nay đã có hơn 2.000 tấn nước được tưới xuống bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng số 3, cao hơn sức chứa tối đa 1.400 tấn nước của bể này.
Trong khi đó, Công ty Điện lực Nhật Bản (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân nói trên, cho biết hệ thống làm mát tại lò phản ứng số 6 của nhà máy Phưcưsima số 1 đã tái hoạt động nhờ nguồn điện được cấp trở lại và nhiệt độ tại bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò này giảm từ 67,5 độ C vào hồi 11 giờ tối 19/3 xuống còn 52 độ C vào lúc 3 giờ sáng 20/3. Dự kiến điện cũng được khôi phục tại các lò phản ứng số 1 và số 2 trong ngày hôm nay để tái khởi động hệ thống làm mát cho các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.
Song song với nỗ lực giải quyết sự cố tại nhà máy hạt nhân, các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cũng đang được triển khai khẩn trương để giúp cho hàng trăm nghìn nạn nhân của thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng ngày 11/3.
Các lực lượng dân phòng, cảnh sát và lực lượng cứu hỏa cho đến nay đã cứu được 26.000 người và đang tiếp tục công tác cứu hộ với sự tham gia của 120.000 người. Con số thiệt mạng và mất tích tính đến đêm 19/3 lên tới gần 20.000 người (7.653 người chết và 11.746 người chưa rõ số phận).
Nhà chức trách Nhật Bản cho biết hàng cứu trợ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 25.000 chăn từ Canađa, 30.000 gói cơm ăn liền và 230.000 chai nước từ Hàn Quốc và 500 máy phát điện từ Đài Loan, đã được chuyển đến Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) ngày 19/3 nói rằng Nga không có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ sau các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phưcưsima số 1 của Nhật Bản.
Theo truyền thông Nga, ông Putin nói điều trên trong chuyến thăm tới đảo Xakhalin (Sakhalin), nằm gần Nhật Bản, giữa lúc có sự lo ngại tại vùng Viễn Đông Nga về khả năng nhiễm phóng xạ hạt nhân từ Phưcưsima. Ông Vlađimia Axơmôlốp (Vladimir Asmolov), Phó giám đốc Cơ quan Năng lượng hạt nhân Nga (Rosenergoatom) cũng bảo vệ quan điểm của Thủ tướng Nga khi khẳng định "không có nguy cơ nhiễm xạ, tất cả chỉ là tin đồn".
Nhà chức trách vùng Viễn Đông của Nga cho biết kể từ ngày 20/3 sẽ gia tăng những biện pháp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm xạ cho dù các chỉ số đo được hiện vẫn ở mức cho phép. Thuốc nhộng iốt đang trở thành dược phẩm bán chạy ở vùng đảo Xakhalin có 175.000 dân.
TTXVN